Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật Việt Nam chậm chân hơn Thái Lan 10-12 năm, còn so với Singapore và Đài Loan thì lạc hậu đến 40-60 năm. Tất nhiên, sự chậm trễ đó có nguyên nhân lịch sử, trước hết là do cuộc chiến đấu nhiều năm chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược mà Việt Nam phải tiến hành để giành tự do và độc lập. Sự cần thiết phải bù đắp khoảng thời gian bị mất ngày càng trở nên cấp bách hơn và trong nước đang tích cực thực hiện nhiều việc theo hướng này. Nhưng trong cùng thời gian thì các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng không dậm chân tại chỗ. Việt Nam cần bước đột phá nhảy vọt. Và nhận định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là hoàn toàn đúng — nếu như không thu hút đầu tư để phát triển nghiên cứu và ứng dụng đổi mới công nghệ thì độ năng động của kinh tế Việt Nam sẽ cực kỳ chậm. Quả thực, chi phí của ngân sách Việt Nam cho lĩnh vực khoa học-kỹ thuật hiện nay hầu như không quá 0,5%. Trong khi ở các nước phát triển nhất của vùng Đông Nam Á, chỉ số này là 4%.
Nhưng đồng thời, việc chuyển đổi sang công nghệ hiện đại là thách đố nghiêm trọng với Việt Nam, — giáo sư Vladimir Mazyrin lưu ý. Bởi tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện tại phần lớn là từ giá thành rẻ của lực lượng lao động. Yếu tố này sẽ giảm thiểu và triệt tiêu khi gia tăng trình độ nhân lực. Hơn thế nữa — việc chuyển đổi sang công nghệ hiện đại, robot hóa, công nghệ kỹ thuật số chắc hẳn sẽ đặt ra nguy cơ cho nhiều ngành lao động thô sơ tốn công sức trong nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, trong trường hợp ứng dụng in 3D vào sản xuất hàng tiêu dùng, thì có đến phân nửa lực lượng lao động thủ công đang làm việc này hôm nay có thể bị mất chỗ.
Đổi mới công nghệ là cần thiết cả trong ngành chế tạo máy, sản xuất nông nghiệp, hậu cần, chế tạo thiết bị y tế và hàng chục ngành khác. Tôi cho rằng trong việc giải quyết nhiệm vụ này, Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với Nga, vốn cũng đang đặt ra nhiệm vụ đầy kỳ vọng tương tự. Nga có quan tâm sống còn với việc hiện đại hóa cơ sở công nghệ của đất nước. Điều đó cần thiết để nâng cao động lực tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh, để đạt được thành tựu lớn hơn độc lập với xuất khẩu nguyên liệu thô. Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm của Nga để tạo thêm điều kiện thuận lợi giúp đạt tới mục tiêu mà Bộ trưởng đã nêu ra.