"Việc xây dựng nhiều nhà máy điện đốt than sẽ cản trở quá trình từ bỏ than và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch — năng lượng mặt trời và gió. Trung Quốc là nhà sản xuất tấm pin mặt trời và máy phát điện gió lớn nhất thế giới, nhưng, những nỗ lực của Trung Quốc sẽ vô ích nếu họ đầu tư vào năng lượng than".
Một số nhà phân tích cho rằng, gia tăng công suất điện than mâu thuẫn với chỉ thị của chính quyền Trung ương. Năm ngoái, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa ra chỉ thị: đất nước nên giảm sản lượng than để giải quyết vấn đề dư thừa năng lực sản xuất trong ngành than và cải thiện tình hình môi trường. Liệu chính quyền địa phương hành động trái với hướng dẫn của chính quyền trung ương khi cho phép xây dựng những cơ sở mới? Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Liu Ying từ Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng, điều này không thể xảy ra.
"Chính quyền địa phương không thể không tuân thủ các chỉ thị của chính quyền trung ương. Đặc biệt là bây giờ, khi Trung Quốc phát động chiến dịch bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương chỉ đơn giản không dám vi phạm chỉ thị của chính quyền trung ương. Trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ, không ai có thể tùy ý gia tăng công suất nhiệt điện chạy than".
Nhưng, các chuyên gia của CoalSwarm cho rằng, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Ông Ted Nace giải thích hiện tượng này bằng ý muốn của chính quyền địa phương đảm bảo các chỉ số KPI tốt nhất.
"Ở Trung Quốc, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than rất phổ biến ở cấp địa phương, vì điều này kích thích sự phát triển kinh tế. Đây là một yếu tố tích cực để các quan chức địa phương tạo ấn tượng tốt hơn bằng cách đầu tư nhiều vốn. Chính quyền địa phương có thể tiếp tục phát triển điện than, bất chấp chỉ thị của trung tâm".
Ngay cả nếu kết luận của CoalSwarm là đúng và Trung Quốc đang xây dựng những cơ sở nhiệt điện than mới thì điều này không có nghĩa là các cơ sở đó sẽ được đưa vào vận hành. Trong mấy năm liền Trung Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng bất chấp những điều kiện khách quan. Thực hành này bắt đầu được áp dụng sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Khi đó, nhà nước đã phân bổ 4 nghìn tỷ NDT (lúc đó là 12,5% GDP) để hỗ trợ nền kinh tế. Số tiền này đã được đầu tư chủ yếu vào các dự án dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án định hướng xã hội, bởi vì, theo các nhà chức trách Trung Quốc, các dự án quy mô lớn như vậy giúp phát triển kinh tế trong một thời gian dài. Kết quả là ở Trung Quốc đã xuất hiện những "thành phố ma", đô thị với gần như tất cả mọi hạ tầng cần thiết cho cuộc sống, với các tòa nhà cao tầng, đường cao tốc, trung tâm mua sắm, nhưng lại không có người ở. Ai có thể bảo đảm rằng các nhà máy điện đốt than sẽ được đưa vào hoạt động? Các chuyên gia của CoalSwarm cũng thừa nhận rằng, nhiều cơ sở trên ảnh vệ tinh không được kết nối với lưới điện của đất nước.