Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quy chụp xe máy là thủ phạm ùn tắc và TNGT mà cần ứng xử bình đẳng giữa xe máy và ô tô…
Chỉ 30% người dân tin sẽ cấm được xe máy
HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030. Theo đó, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Với TP HCM, gần đây, Sở GTVT TP HCM cũng trình UBND thành phố đề án "Tăng cường vận tải giao thông công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM". Đề án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là từ nay tới năm 2020, hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường. Giai đoạn 2, từ 2021-2025, hạn chế xe máy đi vào quận 1 từ một số tuyến đường. Giai đoạn cuối, từ 2026 — 2030, hạn chế tiến tới cấm hẳn xe máy đi vào các quận 1, 3, 5, 10 và một số tuyến đường khác.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT, Đại học Việt Đức cho biết, hiện xe máy vẫn được người dân ưa chuộng nên việc cấm tới đây rất khó khả thi. Khảo sát hơn 4.300 hộ gia đình ở 6 tỉnh, thành, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo ở tất cả nhóm thu nhập, trung bình, mỗi gia đình sở hữu 2,4 xe máy và 0,13 ôtô. Ngay cả ở nhóm thu nhập cao, dù 52% sử dụng ôtô nhưng vẫn còn trên 40% sử dụng xe máy.
"Xe máy được ưa chuộng là do phương tiện này đáp ứng tốt 3 tiêu chí: Rẻ, nhanh, linh động — đây là các yêu cầu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh mức thu nhập cá nhân còn khá thấp, cơ sở hạ tầng đường sá còn thiếu, việc nâng cấp mở rộng chậm và ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng", ông Tuấn nói và cho biết, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, hệ thống giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại. "Ở các đô thị lớn của Việt Nam, kể cả khi toàn bộ mạng lưới đường sắt được xây mới và mạng lưới xe buýt được mở rộng như quy hoạch thì có khoảng 70% người dân sẽ vẫn chọn xe máy. Ở các thành phố trung bình và nhỏ, khoảng 90% người dân vẫn lựa chọn xe máy", ông Tuấn nói thêm.
Điều này được củng cố bằng kết quả tham vấn ý kiến của hơn 1.200 người dân về chủ trương cấm xe máy vào năm 2030. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% người dân tin rằng, chủ trương cấm xe máy sẽ được thực thi thành công. TS. Vũ Anh Tuấn cho rằng, việc nhìn thấy những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng là nguyên nhân khiến nhiều người không tin vào việc lệnh cấm xe máy sẽ được áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, dù đến năm 2030, việc sử dụng xe máy của người dân Việt Nam sẽ vẫn phổ biến, nên đưa ra lệnh cấm sẽ khó khả thi. Dấu hiệu ùn tắc trên một tuyến đường là do ô tô vì cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Ví dụ, tuyến đường Lê Văn Lương vào giờ tan tầm sẽ thấy điều này.
"Chúng ta cứ nghĩ xe máy gây tắc đường nhưng trên những tuyến đường ở Hà Đông hay những tuyến khác vào trung tâm vào buổi sáng hay chiều tối là do ô tô gây tắc đường", ông Thanh khẳng định.
Ứng xử xe máy bình đẳng với ô tô
Chia sẻ về vấn đề này, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, hiện có khoảng 85% số người di chuyển bằng xe máy và 70% quãng đường đi lại của người dân Việt Nam là bằng xe máy. Vì vậy, ông Hùng cho rằng, chúng ta phải ứng xử với xe máy bình đẳng như với ôtô bằng việc phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng và môi trường tham gia giao thông cho người đi xe máy một cách an toàn.
Theo ông Hùng, lượng xe máy tại Việt Nam là khoảng hơn 56 triệu xe, trong khi xe hơi là hơn 3 triệu. Số lượng xe máy cao gấp 18 lần nhưng tỷ lệ gây TNGT có liên quan đến người điều khiển xe máy là 65%, trong khi người lái ôtô gây tai nạn là trên 33%, tức là chỉ gấp 2 lần. Điều này đồng nghĩa những quy chụp về việc xe máy là nguyên nhân chính gây TNGT không hoàn toàn chính xác.
TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Đại học GTVT) cho rằng, Hà Nội xây dựng lộ trình để giảm xe máy và tiến tới cấm hẳn phương tiện này vào nội đô là cần thiết, bởi khi chuyển đổi được sang các phương tiện giao thông khác như: Xe buýt, tàu điện hay xe điện, giao thông mới thông thoáng và không bị ùn tắc. Tuy nhiên, chủ trương này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, vì họ phải đi lại, làm ăn bằng phương tiện xe máy. Bởi vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc quy hoạch lại hệ thống giao thông.
"Để thực hiện được việc này, cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, trong đó, các tuyến metro cần kịp hoàn thành và tính toán sao để khi đưa vào khai thác phải kết nối giao thông thuận lợi, giá rẻ, tiết kiệm thời gian. Mạng lưới xe buýt nên được rải đều, phủ rộng, sao cho hành khách đi bộ từ chỗ ở đến trạm xa nhất chỉ trong khoảng 500m", TS. Bình chia sẻ.