"Kể từ khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trung bình 30%/năm". Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng trong trả lời phỏng vấn Sputnik.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam — Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016 (Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) bao gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhtan, Armenia và Kyrgyzstan). Theo cam kết tại VN-EAEU FTA, về tổng thể hai Bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương với trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Nhân sự kiện 2 năm thực hiện VN-EAEU FTA, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng về những kết quả đã đạt được và triển vọng thương mại Việt Nam — Liên bang Nga trong thời gian tới.
Sputnik:Ngày 5/10/2018 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) đã có hiệu lực tròn 2 năm. Theo ông những kết quả gì trong việc thực hiện VN-EAEU FTA là ấn tượng và quan trọng nhất?
Ông Hoàng Quốc Vượng (Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam):
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2016, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với năm 2016.
Như vậy, có thể nói từ khi có hiệu lực, Hiệp định VN-EAEU FTA đã đóng góp cho sự phát triển thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EAEU tăng mạnh hơn so với trước kia (mức tăng trung bình hàng năm từ 2011-2015 chỉ đạt vào khoảng 5%, trong đó các năm từ 2013 — 2015 thương mại song phương có hướng giảm). Theo như dự báo của nhiều chuyên gia, xu hướng tăng trưởng thương mại tốt sẽ còn tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo, đặc biệt là cùng với lộ trình cắt giảm nhiều dòng thuế về 0%. Thị trường EAEU vẫn đang có nhu cầu rất lớn về tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thuỷ sản. Về phía EAEU, những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam là các mặt hàng xăng dầu, máy móc, hoá chất, sắt thép, hàng tiêu dùng.
Về tỷ tận dụng các ưu đãi nêu trên của Hiệp định, từ khi VN-EAEU FTA có hiệu lực cho đến hết tháng 6 năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EAEU trên 869 triệu USD hàng hóa sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi mẫu EAV theo Hiệp định VN-EAEU FTA (khoảng 22%). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EAEU trên 281 triệu USD hàng hóa sử dụng C/O mẫu EAV, chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Một số mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EAV ở mức cao gồm hàng dệt may gần 78%, giày dép 59%, nhựa và các sản phẩm nhựa 87%.
Ngoài ra, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế song phương trong khuôn khổ Hiệp định VN-EAEU FTA, tính tới nay hai Bên cũng đã đàm phán và ký kết các Nghị định thư, cụ thể: Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam ký ngày 21 tháng 3 năm 2016 (Nghị định thư ô tô với Liên bang Nga); Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam ký ngày 23 tháng 3 năm 2016 (Nghị định thư ô tô với Belarus); Nghị định thư về trao đổi thông tin Hải quan ký ngày 28 tháng 6 năm 2018.
Việc triển khai các Nghị định ô tô với Liên bang Nga và Belarus nói chung và việc thành lập các liên doanh nói riêng sẽ góp phần đa dạng thị trường phương tiện vận tải tại thị trường Việt Nam, hỗ trợ tăng cường sự hiện diện của hàng công nghiệp của Nga và Belarus tại Việt Nam. Đối với Nghị định thư trao đổi thông tin điện tử hải quan, nhờ cơ chế trao đổi, truyền thông tin thường xuyên và ngay sau khi thông quan hàng hóa, Nghị định thư sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống các vi phạm hải quan, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho thương mại và thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của mỗi nước.
Cùng với ba Nghị định thư nói trên, hai Bên đang đàm phán Nghị định thư về xây dựng Hệ thống chứng nhận và xác minh xuất xứ điện tử dự kiến sẽ sớm kết thúc đàm phán nhằm hỗ trợ việc xác minh tính xác thực của Chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do này.
Như vậy có thể nói, qua 2 năm đầu thực hiện, VN-EAEU FTA đã trở thành một khung khổ pháp lý hữu hiệu cho thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và khối EAEU, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Sputnik: Ông có thể cho biết những thành tựu chính của thương mại Việt Nam — Liên bang Nga trong khuôn khổ thực hiện FTA này? Ông có thể nói gì về việc phá những rào cản kỹ thuật?
Ông Hoàng Quốc Vượng (Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam):
Về tổng thể, Liên bang Nga chiếm hơn 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Theo số liệu Hải quan Việt Nam năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt 3,56 tỷ USD (tăng 29% so với năm 2016), trong đó chiều xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 2,17 tỷ USD (tăng 34%), nhập khẩu đạt 1,39 tỷ USD (tăng 23%). Trong 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 3,11 tỷ USD (tăng 36 % so với cùng kỳ năm 2017), trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 1,68 tỷ USD (tăng 17,81%), nhập khẩu đạt 1,43 tỷ USD (tăng 66,28%).
Các mặt hàng điện tử, dệt may, thủy sản, cà phê… của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nga quan tâm sử dụng. Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đã trở nên ngày càng ưa chuộc các máy móc thiết bị, công nghệ, hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ Liên bang Nga.
Tuy nhiên, số liệu thống kê hiện đang cho thấy tăng trưởng thương mại đang có xu hướng chậm lại theo chiều từ Việt Nam sang Nga và tăng dần theo chiều từ Nga. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang gặp phải một số rào cản nhất định từ các nước EAEU nói chung từ Liên bang Nga nói riêng. Căn cứ điều khoản trong Hiệp định VN-EAEU FTA, từ ngày 13 tháng 3 năm 2018, EAEU đã áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng (một biện pháp phòng vệ thương mại) đối với hai nhóm mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EAEU là quần áo lót và quần áo trẻ em. Theo đó, mặt hàng quần áo lót bị áp dụng mức thuế suất MFN đến ngày 13 tháng 12 năm 2018; quần áo trẻ em bị áp dụng mức thuế suất MFN đến ngày 13 tháng 09 năm 2018 thay vì mức thuế ưu đãi 0%.
Ngay từ khi Ủy ban Kinh tế Á — Âu bắt đầu điều tra biện pháp phòng vệ ngưỡng, cơ quan Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội dệt may Việt Nam đã tích cực tham vấn, thuyết minh việc hàng hóa Việt Nam với thị phần nhập khẩu thấp (khoảng 3%) không những không thể gây ảnh hưởng đến thị trường cũng như sản xuất của Liên minh mà ngược lại giúp đa dạng hóa thị trường bằng các sản phẩm có chất lượng, vốn có uy tín tại các thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật bản…
Có thể nói, từ khi EAEU áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nga bị giảm liên tục, mức giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy các mặt hàng trong diện áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng có mức kim ngạch không cao nhưng việc áp dụng các cơ chế điều tiết thị trường một cách hành chính như vậy khiến doanh nghiệp khó xây dựng kế hoạch kinh doanh, làm giảm đi niềm tin vào thị trường đang dường như hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới.
Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan như: thủ tục hải quan, thanh toán, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ (SPS), tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT)…cũng cần được lưu ý hơn trong thời gian tới để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho thương mại song phương giữa Việt Nam với Liên bang Nga nói riêng và với EAEU nói chung. Các doanh nghiệp không có cách nào khác là sớm điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm hàng hóa. Chính phủ cũng sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xóa bỏ, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật này bằng cách làm việc với phía EAEU thông qua cơ chế Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định và xem xét đưa vào đàm phán nâng cao tại Kỳ rà soát Hiệp định VN-EAEU FTA lần 1 dự kiến tổ chức vào cuối năm 2019.
Ngoài cơ chế trao đổi ở cấp đa phương (Ủy ban hỗn hợp thực thi FTA), Việt Nam với từng nước thành viên Liên minh (Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia) đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế — thương mại và khoa học — kỹ thuật (UBLCP). Đối với Liên bang Nga, dự kiến Khóa họp lần thứ 21 UBLCP Việt- Nga do cấp Phó Thủ tướng Chính phủ hai nước đồng chủ trì dự kiến tổ chức trong vài ngày tới, cuối tháng 10 năm nay tại Moskva. Tham gia Khóa họp, ngoài đại diện của phần lớn các bộ, ngành hai nước, còn có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp. Khóa họp là cơ hội để hai bên tìm biện pháp giải quyết các vướng mắc trong hợp tác song phương trên hầu hết các lĩnh vực, tạo điều kiện để doanh nghiệp được nêu ý kiến, đề xuất, là nơi trao đổi thông tin mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Sputnik: Chính phủ Việt Nam đã có những hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong hai năm qua trong việc khai thác thị trường Liên minh Kinh tế Á-Âu?
Ông Hoàng Quốc Vượng (Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam):
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi có được từ Hiệp định VN-EAEU FTA, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong phạm vi của mình.
Ngay từ khi đàm phán cho đến nay, việc phổ biến về thị trường các nước thành viên EAEU cũng như về nội dung của Hiệp định FTA đã được tích cực tổ chức cho doanh nghiệp tại nhiều địa phương của Việt Nam.
Đồng thời, thông qua các cơ quan đầu mối tại của các Bộ, ngành Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hầu như các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp thời gian vừa qua đều được cố gắng giải thích hay giải quyết một cách thỏa đáng. Chính phủ cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EAEU.
Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có được thông tin đầy đủ về cách thức tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định này. Doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được nhu cầu cụ thể của các thị trường đối tác EAEU, đặc biệt là các thị trường ngoài Liên bang Nga như Kyrgyzstan, Belarus và Armenia nên chủ yếu vẫn lựa chọn xuất khẩu vào thị trường Liên bang Nga. Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tuyên truyền phổ biến thông tin về Hiệp định, nhu cầu thị trường, kết nối doanh nghiệp cũng như kịp thời thông báo tới doanh nghiệp những biện pháp phòng vệ thương mại để doanh nghiệp có ứng phó phù hợp.
Về phía doanh nghiệp cũng phải có chiến lược trong việc tìm hiểu và nghiên cứu kỹ những quy định của Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế, cách tính nguồn gốc xuất xứ và luật lệ của các nước để tận dụng được những ưu đãi này.
Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và các quốc gia thuộc EAEU, sự chủ động, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn hợp tác kinh tế — thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước EAEU sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Sputnik: Đánh giá của ông về thương mại Việt Nam — LB Nga trong thời gian tới?
Ông Hoàng Quốc Vượng (Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam):
Kể từ khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh có hiệu lực từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trung bình 30%/năm. Điều này cho thấy, Hiệp định là khung khổ pháp lý quan trọng, tạo hành lang thông thoáng cho cho doanh nghiệp của hai nước thúc đẩy thương mại và đầu tư.Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ hai nước cần phải nghiên cứu các biện pháp để giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi về thuế, ký kết các hiệp định chuyên ngành để giúp giảm bớt các rào cản phi thuế quan về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch…
Tôi cho rằng, trong thương mại song phương hiện nay, ngoài những khó khăn về quản lý như đã nêu vẫn còn những khó khăn khác như khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu thông tin về chính sách và cơ hội kinh doanh do rào cản ngôn ngữ, thiếu nguồn tài chính, nhân lực… Ở đây tôi cũng xin nhấn mạnh là Chính phủ hai nước đang nỗ lực để tháo gỡ những khó khăn này.
Ví dụ điển hình là tháng 5 năm nay, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (RATRACO) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty cổ phẩn RZD Logistics thuộc Công ty Đường sắt Nga đã phối hợp tổ chức chạy thử thành công một toa xe chở container 40 feet từ ga Vorsino (Kaluga) đến ga Yên Viên (Hà Nội) với thời gian là 24 ngày, cước phí chuyên chở là 6.000 USD. Với nỗ lực của hai bên dự kiến tuyến đường sắt cho luồng hàng hóa từ Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc đến Nga, Kazakhstan, Uzbekistan và một số nước Châu Âu sẽ được khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng thương mại song phương.
Ngoài ra, để vượt qua những khó khăn và thách thức trong quan hệ kinh tế — thương mại giữa hai nước, hỗ trợ cho doanh nghiệp, Việt Nam và Nga đã nỗ lực giải quyết việc thanh toán thông qua thành lập cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ (VND/RUB).
Trong bối cảnh cấm vận của Hoa Kỳ và EU đối với Nga gia tăng, các doanh nghiệp hai nước đã tìm đến sự lựa chọn an toàn hơn là thanh toán bằng đồng nội tệ của hai nước.
Các ngân hàng thương mại hai nước đang đẩy mạnh công tác thông tin đến doanh nghiệp về khách hàng về lợi ích của việc thanh toán nội tệ nhằm mục tiêu hỗ trợ thanh khoản cho thanh toán bằng đồng RUB và VNĐ.
Tôi hy vọng, với việc tiếp tục các nỗ lực của cả ở cấp Chính phủ lẫn cấp doanh nghiệp như chúng ta đang triển khai hiện nay, các doanh nghiệp hai nước sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại những lĩnh vực mình có thế mạnh và khi đó thương mại và đầu tư sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Sputnik: Chân thành cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian cho Sputnik