Không phải mọi điều khoản của văn kiện này đều đã phát huy đầy đủ sức mạnh của nó. Tuy nhiên những gì đã làm được thực sự đáng tự hào. Đó là nhận định của TS Nguyễn Quốc Hùng, cộng tác viên khoa học người Việt của Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á của Viện Kinh tế học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Trong tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước EAEU đã tăng 37%, còn xuất khẩu từ EAEU cho Việt Nam tăng 32%. Cụ thể, xuất khẩu nông sản tăng gấp 9 lần, các sản phẩm kim loại — tăng 48%. Cung cấp giấy carton từ EAEU cho Việt Nam đã tăng 2.700 lần. Và nguồn cung cấp từ Việt Nam về các thiết bị định vị tăng 900 lần.
Liên minh Kinh tế Á-Âu đã huỷ bỏ thuế quan nhập khẩu cho 43% tổng số hàng hoá của Việt Nam thuộc dòng thuế quan của Biểu thuế thống nhất của Liên minh (UCT-EAEU), chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp hóa học, khoáng sản, hàng da. Nhiều loại hàng hóa khác đã được áp dụng mức thuế xuất 0.
Việt Nam và Belarus đã ký thỏa thuận cho phép nhà máy ô tô Minsk thành lập hai liên doanh ở Việt Nam, lắp ráp xe tải và xe buýt. Các công ty của Việt Nam và Kazakhstan đang tiến hành công việc có mục đích nhằm tạo ra hành lang vận chuyển giữa Kazakhstan và Việt Nam. Nhân tiện cần nói thêm, chỉ trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam tính bằng tiền đã gần bằng tổng xuất khẩu của cả năm ngoái.
TS Nguyễn Quốc Hùng tin tưởng rằng trong tương lai Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EAEU sẽ mang lại nhiều kết quả rực rỡ hơn nữa. Một xung lực tạo điều kiện thuận lợi cho triển vọng này là hội nghị thượng đỉnh APEC, diễn đàn thống nhất hai mươi mốt nền kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương sắp tiến hành lần thứ hai tại Việt Nam. APEC chiếm 39% dân số thế giới, 57% tổng GDP thế giới và 49% thương mại toàn cầu.
"Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Đà Nẵng, Việt Nam và Nga sẽ cùng thể hiện lập trường thống nhất", — TS Nguyễn Quốc Hùng dự báo.
Việt Nam và Nga là những đối tác chiến lược, thực tế quan hệ đó thể hiện rõ ràng trong hoạt động của hai nước trên trường quốc tế, kể cả trong khuôn khổ Diễn đàn APEC. Cả hai nước đều ủng hộ sáng kiến của nhau hướng tới phồn vinh kinh tế của hai quốc gia chúng ta và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cả hai nước chúng ta đều gửi gắm những hy vọng rất lớn vào hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới. Chứng tỏ là nhiều cuộc hội thảo cấp chính phủ, chuyên viên và khoa học đã được tổ chức cả ở Việt Nam và ở Nga trước ngưỡng hội nghị thượng đỉnh. Qua hội thảo đã phân tích rõ về những khía cạnh khác nhau trong hoạt động của APEC, thực trạng và triển vọng hiệp lực thương mại-kinh tế của Việt Nam và Nga với các quốc gia khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giới chuyên gia dành đánh giá cao cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và Nga, cũng như kết quả hoạt động tích cực và những đề xuất hữu ích của hai nước trong khuôn khổ APEC. Diễn đàn này ngày càng trở nên quan trọng đối với đà phát triển kinh tế của các nước trong khu vực, cũng như với triển vọng củng cố tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và LB Nga.