Trả lời phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia cho biết tại diễn đàn đã thảo luận về phương thức tăng cường giao thông, liên kết kỹ thuật số và năng lượng giữa hai lục địa — như là lời kêu gọi gián tiếp tích cực ủng hộ sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Các quan sát viên lưu ý đến thực tế là tại hội nghị thượng đỉnh ASEM những tiếng nói ủng hộ quy tắc của WTO vang lên gần như đồng loạt qua ý kiến của Trung Quốc, Nga, Na Uy và EU, yêu cầu thành lập nhóm trọng tài thống nhất trong WTO đảm trách công việc trong tranh chấp với Hoa Kỳ về thuế kim loại. Cụ thể, là thuế với thép và nhôm. Ngoài các thành viên WTO nêu trên, còn có Ấn Độ, Canada, Mexico, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tranh cãi về món thuế này.
Hội nghị thượng đỉnh ASEM diễn ra trong bối cảnh leo thang chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc và mâu thuẫn thương mại của Mỹ với EU. Cũng thực tế này khiến các chính trị gia châu Âu phải có cái nhìn mới về vai trò của sự hợp tác với châu Á, mà hàng đầu là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, để đảm bảo lợi ích của các nước EU. Chuyên gia Mikhail Belyaev từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga đã lưu ý đến chi tiết này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
"Châu Âu luôn định hướng vào các hoạt động ngoại thương. Khi Washington cố gắng thay đổi trật tự kinh tế và thương mại nước ngoài xuất phát từ lợi ích của Mỹ, châu Âu hiểu rõ rằng trung tâm ngoại thương và kinh tế nước ngoài đang chuyển sang địa bàn châu Á. Trong đó chuyện ở đây không chỉ nói về những người khổng lồ châu Á, hàng đầu là Trung Quốc, mà còn về những nước khác, ví dụ như Indonesia. Quốc gia này có nhịp độ tăng trưởng nhanh và triển vọng sáng sủa để đạt tới vị thế quốc tế khá cao trong tương lai gần. Đang diễn ra quá trình tái định hình bản đồ ngoại thương thế giới, trong đó không chỉ riêng vì hành động của Hoa Kỳ, mà còn bởi tác động ngày càng tăng của các nước châu Á".
Bất kể thực tế đang chịu ảnh hưởng mạnh của Hoa Kỳ, dù sao chăng nữa, châu Âu đang tìm kiếm nền tảng để thực thi lợi ích kinh tế và thương mại nước ngoài của mình ở châu Á, — chuyên gia nhận xét. Đây hiển nhiên là cơ hội mới cho EU để có được chỗ đứng trên thị trường Á châu mà trước hết là ở Trung Quốc. Hơn thế nữa, tính đến sự chú ý ngày càng cao của Trung Quốc hướng đến châu Âu, minh chứng cụ thể là phát triển liên hệ giao thông khác nhau giữa Trung Quốc và châu Âu. Thêm vào đó, hiện hữu thực trạng là châu Âu đã bão hòa với các sản phẩm của chính mình. Trong nội bộ châu lục đã không còn chỗ để các "máy chủ" phát triển được nữa.
Ý kiến này được sự tán đồng của chuyên gia Hu Feibiao từ Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc:
"Ban đầu, ý tưởng sáng kiến" Vành đai và con đường "của Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác giữa châu Á và châu Âu, cấp xung lực liên hệ và hội nhập các thị trường của hai châu lục. Các chủ đề cơ bản trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu và phương hướng chính để thực hiện sáng kiến "Vành đai và con đường" thực tế là trùng khớp. Sáng kiến của Trung Quốc đã được đề ra cách đây hơn 5 năm. Trong thời gian đó, thái độ ở nhiều quốc gia và khu vực với sáng kiến này đã thay đổi đáng kể. Thoạt đầu, có một số hiểu lầm, thậm chí không sẵn sàng tiếp nhận sáng kiến này. Sau đó, ý tưởng dần dần nhận được sự ủng hộ sau khi trở nên rõ ràng rằng sáng kiến đề xuất tiến hành "thảo luận chung, xây dựng chung, và cùng chung sử dụng thành quả". Trong điều kiện trên thế giới dường như đang lây lan virus bảo hộ, nhiều nước và vùng lãnh thổ lần lượt gỡ bỏ sự nghi kỵ ngờ vực. Gần đây, nhiều nước bày tỏ sự ủng hộ với "Vành đai và con đường". Ví dụ, Trung Quốc với Nhật Bản, Pháp và các quốc gia khác đã lên tiếng ủng hộ hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến này trên thị trường các nước thứ ba. Bây giờ các nước châu Âu từng bước thừa nhận rằng nền tảng dành cho sự hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến này đang mở rộng. Trong mạch ý tưởng đó, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Á-Âu có giá trị ý nghĩa tích cực cả với việc thực hiện sáng kiến của Trung Quốc cũng như cho sự phát triển tương lai của châu Âu".