Vụ án giết con mới đẻ xảy ra tại chung cư ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến dư luận phẫn nộ. Càng đau xót hơn khi kết quả sơ bộ pháp y cho thấy, cháu bé khi sinh có phản ứng sống. Nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não. Xung quanh hành vi đáng lên án trên, phóng viên ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn Trung tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân để có những phân tích, đánh giá về tâm lý tội phạm, cũng như chế tài xử lý của pháp luật.
— PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Minh Hiển, có thể thấy dư luận đang rất phẫn nộ trước hành vi ném con mới sinh của một sản phụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa qua. Với các nghiên cứu về tội phạm học của mình, theo PGS, đây có phải một hành vi vi phạm pháp luật?
— PGS.TS Nguyễn Minh Hiển: Khi nghe về vụ việc này, bản thân tôi thực sự cảm thấy đau xót. Gần đây, xuất hiện một số vụ việc phụ nữ sau khi sinh con thì bỏ rơi con hoặc ném con của mình, dẫn đến những cái chết rất thương tâm. Tôi cho rằng đây là những hành vi rất độc ác, đòi hỏi phải có sự vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ nguyên nhân và phải được xử lý. Bên cạnh đó, xã hội cần phải lên án, phản đối với những hành vi này. Việc ném con của sản phụ này là vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Đó sẽ là hình thức răn đe đối với những công dân khác, bởi họ phải sống có trách nhiệm đối với người khác, đặc biệt trong đó có cả những đứa con của mình.
PV: Vậy đối với hành vi này pháp luật sẽ quy định xử lý như thế nào?
Có thể nói về hành vi, các nhà làm luật cũng đã tính đến, đó là do nhận thức của những người mẹ, hoặc do hoàn cảnh đặc biệt mà những người mẹ đó thực hiện hành vi giết con mới đẻ của mình. Trong Bộ luật cũng nêu rõ, độ tuổi của đứa con mới đẻ là dưới 7 ngày tuổi. Ngoài ra, nếu đứa trẻ trên 7 ngày tuổi thì các đối tượng gây án đều bị xử lý với tội danh "Giết người".
— PV: Cũng có những vụ việc chỉ vì những giận dỗi vụn vặt, để giải thoát nỗi bức xúc, oán hận của người lớn, những đứa trẻ bỗng trở thành nạn nhân xả giận, buộc phải từ giã cõi đời. Thưa PGS.TS Nguyễn Minh Hiển, ông đánh giá như thế nào về những vụ việc đau lòng này?
— PGS.TS Nguyễn Minh Hiển: Trong cuộc sống có những mâu thuẫn trong vợ chồng, trong gia đình… từ đó dẫn đến những vụ việc đau lòng mà người mẹ đã không sáng suốt, chọn một giải pháp hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức, đi ngược với thuần phong mỹ tục, làm trái pháp luật, đó là tìm đến cái chết, thậm chí trả thù chồng, gia đình chồng… bằng việc giết đứa con của mình, hoặc giết người thân, hoặc có thể tìm đến những biện pháp bức tử, buộc những người con đó phải tìm đến cái chết. Cách giải quyết mâu thuẫn, áp lực bản thân như vậy là hoàn toàn sai lầm, đi ngược với chuẩn mực đạo đức và cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
— PGS.TS Nguyễn Minh Hiển: Nguyên nhân của những vụ việc tương tự như thế này là do sự quẫn bách, không tìm ra được lối thoát cho riêng mình, nhất là đối với giới trẻ, nhận thức còn hạn chế và không có sự kèm cặp, giáo dục từ phía gia đình. Do vậy, họ chỉ biết nhằm đến đứa con của mình để giải thoát cho mình. Bên cạnh đó, đối với vụ án do mâu thuẫn trong gia đình, khi người ta không tìm ra được giải pháp để điều hòa mối quan hệ thì thường dẫn đến những hành vi nguy hiểm, mất nhân tính. Đối với những mâu thuẫn kiểu này, thì việc giết con, giết chồng, họ coi đó như một sự trả thù.
— PV: Xin cảm ơn PGS Nguyễn Minh Hiển!