Mới không phải tất cả
Tờ The Diplomat của Nhật Bản mới đây có bài phân tích về quân đội Trung Quốc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới công cuộc hiện đại hóa và chỉ ra những điều đáng chú ý.
Theo tờ báo Nhật, được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng và năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng ngày càng tăng, quân đội Trung Quốc tiếp tục đưa vào phiên chế số lượng lớn trang thiết bị quân sự ngày càng tinh vi và có năng lực lớn hơn.
Ví dụ, hải quân Trung Quốc những năm qua liên tục đưa vào sử dụng hàng chục tàu chiến mới với năng lực ngày càng lớn, những vũ khí và hệ thống cảm biến tiên tiến hơn.
Tuy nhiên, việc chỉ chú ý tới những vũ khí mới khiến giới phân tích đánh giá "quá thấp" sức mạnh quân sự của Trung Quốc và không dự đoán được tương lai. Theo tờ báo Nhật Bản, công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc còn bao gồm cả việc nâng cấp các trang thiết bị cũ.
Thay vì dành toàn bộ nguồn lực của mình cho việc sản xuất mới, quân đội Trung Quốc đang đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cấp các vũ khí hạng nặng hiện có. Trong lĩnh vực hải quân và không quân, điều này đã cải thiện đáng kể năng lực của Trung Quốc mà không thu hút sự chú ý như khi đưa vào sử dụng những vũ khí hạng nặng mới được sản xuất.
Với những sự nâng cấp đối với các phương tiện hiện có, quân đội Trung Quốc hiện có năng lực lớn hơn so với cách đây chỉ vài năm.
Khi cấu trúc lực lượng của Trung Quốc trở nên ổn định và kho dự trữ trang thiết bị hiện đại trở nên hoàn thiện, việc xác định và đánh giá những sự nâng cấp đối với các trang thiết bị hiện có sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tìm hiểu về năng lực quân sự của Trung Quốc.
Do đó, tờ báo Nhật Bản cho rằng việc theo dõi cách Trung Quốc xử lý các trang thiết bị hiện có là điều quan trọng để đánh giá về sức mạnh của quân đội Trung Quốc.
Những ví dụ điển hình
Ví dụ đối với hải quân, từ năm 2011, ngay khi hoạt động sản xuất ở các xưởng đóng tàu Trung Quốc đạt tới thời kỳ cường độ cao, Trung Quốc đã bắt đầu nâng cấp một số tàu chiến hiện có của nước này.
Đầu tiên là 2 tàu khu trục lớp Type 052, những tàu khu trục hiện đại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.
Vào thời điểm được nâng cấp, tàu mới nhất trong số các tàu Type 052 đã có tuổi đời 17 năm, đồng nghĩa với việc đây là một sự nâng cấp vào giữa thời hạn sử dụng.
Các hệ thống phòng không mới đã được bổ sung, cải thiện khả năng sống sót khi phải đối mặt với các tên lửa hành trình đồng thời giảm bớt yêu cầu về nhân lực.
Để cải thiện khả năng phát hiện các mục tiêu trên không, một radar Type 517M đã được lắp đặt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ở tầm xa hơn, một hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh (SATCOM) cũng đã được bổ sung.
Bên cạnh đó, Trung Quốc nhiều khả năng cũng tiến hành nâng cấp "bên trong" đối với lớp tàu chiến này, trong đó có hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) nhằm tích hợp các hệ thống cảm biến và vũ khí mới.
Theo The Diplomat, năm 2015, Trung Quốc bắt đầu nâng cấp tàu khu trục lớp Type 051B duy nhất, nhấn mạnh mong muốn của hải quân Trung Quốc là không bỏ phí dù chỉ một thân tàu.
Sau 16 năm phục vụ, năng lực phòng không ở mức hạn chế của con tàu này đã được cải thiện đáng kể. Hệ thống SAM HQ-7, với tầm bắn khoảng hơn 10 km, đã được thay thế bằng SAM HQ-16 với tầm bắn khoảng 50 km. Để dẫn đường cho các tên lửa mới và cải thiện tầm bao quát trên không, một radar Type 382 tiên tiến hơn đã được lắp đặt.
Nhà chứa máy bay, súng phòng không và các năng lực tác chiến chống tàu ngầm (ASW) cũng có những thay đổi.
Đối với không quân, bên cạnh việc phô trương những J-20 hay J-31, Trung Quốc vẫn lặng lẽ nâng cấp các máy bay hiện có như 11 chiếc máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) KJ-200, J-10, J-11…
Năm 2016, các nhà quan sát đã có được hình ảnh đầu tiên của khung máy bay KJ-200 được nâng cấp, được cho là mang số hiệu KJ-200A. Thay đổi rõ ràng nhất là việc bổ sung radar mới tiên tiến và khá lớn để cải thiện tầm bao quát của radar.
Dù số lượng máy bay KJ-200 vẫn cố định ở mức 11 chiếc và mặc dù ngày càng có nhiều máy bay KJ-500 mới ra đời, việc nâng cấp KJ-200 giúp Trung Quốc tiếp tục cải thiện năng lực AEW mà không thu hút sự chú ý như các thiết kế và khung máy bay mới.
Ngoài ra, tờ báo Nhật Bản cũng đưa ra nhận định Trung Quốc tiếp tục nâng cấp hàng loạt vũ khí hạng nặng khác như tên lửa hay tàu ngầm. Đây chính là những yếu tố không thể đo lường hết khi đánh giá sức mạnh quân sự Trung Quốc.