Việt Nam đủ lực, đủ tâm thế tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới

Sáng 5-11, phát biểu kết thúc phiên thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Việt Nam đủ lực, đủ tâm thế để tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới, Hà Nội Mới cho biết.
Sputnik

Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo khi tham gia CPTPP
Trước đó, tiếp thu và làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình thêm về đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP. Theo đó, sau khi đàm phán, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá, định lượng về tác động của hiệp định này đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như tăng trưởng GDP, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cung như tác động đến các lĩnh vực sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các chuyên gia độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có báo cáo, nghiên cứu rất sâu về đánh giá tác động của Hiệp định TPP trước đây và Hiệp định CPTPP cũng như tác động đối với các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, đây là nguồn tham khảo quan trọng khi đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP.

"Cũng như báo cáo của Chính phủ đã nêu, chủ yếu các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện hiệp định này một cách hiệu quả và có lợi cho đất nước. Trong quá trình thực thi hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp sau khi phê chuẩn hiệp định này" — Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tóm lược lại nội dung phát biểu của các ĐBQH. Trong đó, đa phần các đại biểu đều nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan; khẳng định việc ký kết và gia nhập cũng như phê chuẩn tại Kỳ họp này của Quốc hội là một quyết định Chính phủ quan trọng, khẳng định Việt Nam chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực trong nước, nâng cao khả năng ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới, nâng cao vị thế của nước ta.

CPTPP không có Mỹ, Việt Nam được lợi gì?
Các ĐBQH cũng đề nghị cần chủ động có đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, bảo đảm thực thi hiệp định có hiệu quả; phát huy hết các cơ hội khi gia nhập hiệp định, tránh các rủi ro.

Đặc biệt, các vị đại biểu có phát biểu thêm, cần tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về cả kinh tế, môi trường, giáo dục, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực mà chúng ta đã cam kết. Các lĩnh vực văn hóa, các chính sách xã hội, đặc biệt là bảo đảm quyền của công nhân và người lao động; cần chăm lo tổ chức công đoàn Việt Nam hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn trong tình hình mới…

"Có thể thấy rằng, kết quả của công cuộc đổi mới, của cải cách về hành chính quốc gia Việt Nam, khẳng định chúng ta đủ lực, đủ tâm thế để chúng ta tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới" — Chủ tịch Quốc hội khẳng định và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để chuẩn bị nghị quyết trình Quốc hội có thể thông qua vào ngày 12-11 tới.

Thảo luận