Sáng 2-11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "CPTPP dù có quy mô kinh tế không bằng TPP nhưng vẫn được coi là nền tảng quan trọng để định hình các mối quan hệ mới trong khu vực và đem lại các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, Hiệp định CPTPP cũng là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả với Hoa Kỳ".
"Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cũng được coi là tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định FTA với EU. Ngay sau khi Hiệp định CPTPP được kết thúc đàm phán thì EU cũng thúc đẩy trở lại FTA với các nước thành viên CPTPP là Nhật Bản, Singapore và VN", — Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
* CPTPP không có Mỹ, vậy thì Việt Nam sẽ được lợi gì? Liệu rằng lợi ích ấy có được khai thác có hiệu quả hay không khi có một thực tế là rất nhiều hiệp định được thực thi nhưng việc tận dụng cơ hội lại chưa cao?
— Hiệp định CPTPP, dù không còn sự tham gia của Hoa Kỳ, vẫn được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây.
Dự kiến Hiệp định CPTPP vẫn tạo ra một thị trường khá rộng lớn với tỉ trọng 13,5% trong tổng GDP toàn cầu và quy mô thị trường là 500 triệu dân, do đó chắc chắn vẫn sẽ đem lại lợi ích nhất định cho tất cả các nước thành viên.
Có nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra lợi ích tích cực của Hiệp định CPTPP, từ xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm đến tăng GDP và xuất nhập khẩu.
Tôi không muốn nhắc lại những con số này mà chỉ xin nhấn mạnh Hiệp định CPTPP được phê chuẩn vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó khẳng định việc chúng ta kiên trì, nhất quán chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và coi đó là động lực để phát huy nội lực, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện cơ chế quản lý và khả năng thích ứng với các thay đổi nhanh của nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm đảo lộn các chuỗi cung ứng và quan hệ hợp tác kinh tế trên quy mô toàn cầu.
Thứ hai, ở trong nước thì cũng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường phổ biến, tuyên truyền các nội dung của các hiệp định đã được ký kết. Kết quả là tỉ lệ sử dụng ưu đãi trong các FTA đã có sự cải thiện đáng kể, đạt mức xấp xỉ 40% trong 9 tháng đầu năm nay.
Đặc biệt, với các đối tác do ta chủ động đề xuất đàm phán thì tỉ lệ tận dụng ưu đãi ở mức rất cao, có thể đạt đến gần 70%.
Đây là tỉ lệ thuộc loại khá so với các nước trong khu vực và phần nào thể hiện các cải cách trong nước của ta đã giúp doanh nghiệp có khả năng để tận dụng tốt hơn khi thị trường được mở ra.
Với các nước CPTPP, chúng ta có cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cao nên chúng tôi tin tưởng khả năng tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đây.
* Vậy còn những tác động của hiệp định, lĩnh vực nào sẽ chịu áp lực cạnh tranh nhiều nhất? Kết quả đàm phán cuối cùng liệu đạt được thỏa thuận để các ngành thế yếu có thời gian để chuẩn bị tốt nhất?
— Tham gia Hiệp định CPTPP, VN sẽ phải đối mặt với một số thách thức về kinh tế như trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; thách thức về hoàn thiện thể chế, pháp luật; thách thức về xã hội.
Một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu của các nước thành viên CPTPP.
Trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào thì quan tâm hàng đầu của Chính phủ đều là lĩnh vực nông nghiệp do khả năng thích ứng, chuyển đổi của các ngành nông nghiệp thường khó hơn so với sản xuất công nghiệp.
Do vậy, nông nghiệp cũng là lĩnh vực có thời gian chuyển đổi để thực hiện cam kết dài nhất.
* So sánh về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của VN với các nước trong CPTPP mà WB đánh giá, VN xếp ở mức thấp nhất. Vậy theo bộ trưởng, chúng ta có vượt qua thách thức để tận dụng tốt cơ hội mà CPTPP mang lại?
— CPTPP có các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ…
Do vậy, đây là cơ sở để ta tiến hành cải cách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có các quy định về cải thiện hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu công hay các lĩnh vực mới như thương mại điện tử.
Hiệp định sẽ là chất xúc tác cho quá trình cải cách, chuyển đổi cơ cấu và tăng cường hiệu quả công tác quản lý kinh tế trong thời gian tới đây.