Hội nghị APEC 2018: Chủ nhà bị chỉ trích vì mua xe sang

Chính quyền PNG đã bị chỉ trích vì lãng phí tiền dân đóng thuế để nhập xe sang phục vụ các nhà lãnh đạo tham dự sự kiện quốc tế này, baoquocte.vn cho biết.
Sputnik

Reuters cho biết hầu hết lãnh đạo đến dự APEC 2018 sẽ sử dụng xe bọc thép chuyên dụng, do đó việc chính quyền Papua New Guinea mua 40 chiếc xe thể thao hiệu Maserati là câu hỏi đang được bỏ ngỏ.

Mặc dù đang có số nợ nước ngoài rất lớn, chủ yếu là với Trung Quốc, chính quyền Papua New Guinea vẫn quyết định mua 40 chiếc xe Maserati. Điều này khiến người dân và phe đối lập tại quốc gia Thái Bình Dương này bức xúc.

Papua New Guinea hiện là thành viên nghèo nhất trong khối các nền kinh tế APEC. Năm 2013, đảo quốc này được giao nhiệm vụ tổ chức APEC 2018.

Các nhà lãnh đạo APEC mặc áo truyền thống của New Guinea chụp hình chung

Tuy nhiên, kể từ năm 2013, kinh tế Papua New Guinea suy thoái nghiêm trọng. Đến tháng 2/2018 lại bị cơn động đất tàn phá vùng núi miền trung làm chết hơn 100 người, phá hoại mùa màng, cơ sở hạ tầng. Dịch viêm tủy xám cũng xuất hiện tại quốc gia này khiến cho 1 người thiệt mạng. Chính phủ Australia năm 2018 đã viện trợ thêm 16 triệu đô-la Australia để hỗ trợ chương trình tiêm chủng và đẩy lùi dịch bệnh tại Papua New Guinea.

Tỉ lệ mắc bệnh lao gia tăng trong khi chính quyền thiếu kinh phí cho y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, khiến giáo viên và công chức nước này bị cắt giảm lương.

Theo tờ The Guardian, 40 chiếc xe Maserati được giao đến thủ đô Port Moresby trước khi diễn ra APEC 2018.

Mỗi chiếc xe Maserati có giá từ 200.000 đến 350.000 USD được 2 máy bay vận tải Boeing 747-8F chở từ Milan, Italy đến Papua New Guinea hôm 12/10. Bộ trưởng, Trưởng ban tổ chức APEC Justin Tkatchenko cho biết số tiền mua toàn bộ 40 chiếc xe Maserati do “khu vực tư nhân” gánh toàn bộ chi phí, và chính phủ Papua New Guinea chỉ tạm ứng khoảng 40 triệu kina, tương đương 16,75 triệu đô-la Australia để đặt cọc mua xe.

Hội nghị Cấp cao APEC 2018: “Nóng” căng thẳng Hoa Kỳ - Trung Quốc

Chính quyền quốc đảo Thái Bình Dương này tuyên bố sau khi năm APEC 2018 kết thúc, sẽ tổ chức bán đấu giá, và số xe sang này sẽ có “tư nhân” mua lại sử dụng. Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill cho biết các doanh nghiệp và cá nhân thoả thuận sẽ mua lại số xe mà chính quyền đã sử dụng để phục vụ cho sự kiện quốc tế lớn nhất trong năm này. Ông nhấn mạnh chính quyền không sử dụng tiền dân đóng thuế cho khoản chi này.

Đô trưởng Port Moresby, ông Powes Parkop cho rằng số xe đắt tiền này là một cách chính quyền Papua New Guinea “thể hiện sự trọng thị" đối với các lãnh đạo đến dự APEC 2018.

Phe đối lập bất mãn, cáo buộc chính quyền “gian lận"

Ngày 16/10, chính quyền Papua New Guinea được cho là đã mua thêm 3 chiếc xe sang hiệu Bentley, mỗi chiếc trị giá hơn 230.000 USD. 

Việc làm này khiến cho phe đối lập càng phẫn nộ. Thậm chí các nghị sĩ đối lập đã lên tiếng kêu gọi đình công toàn quốc, cho rằng vụ mua sắm xe sang là việc làm “gian lận trắng trợn”.

Nghị sĩ-cựu Thủ tướng Mekere Morauta đặt dấu hỏi liệu vụ mua xe Bentley có được tổ chức qua hình thức tranh thầu hay không, đồng thời yêu cầu Thủ tướng O’Neill giải thích về việc quá lãng phí tiền của mua xe sang trong khi kinh tế đất nước còn đang khó khăn. 

Các nhà lãnh đạo APEC có thể phê duyệt kế hoạch quản lý không gian mạng

Nghị sĩ Bryan Kramer của đảng đối lập Madang cho biết: “Tiền mua xe sang lẽ ra nên dùng để xây trường học hoặc bệnh viện mới. Đó quả thật là một sự lãng phí. Tôi rất lấy làm tiếc rằng Thủ tướng O’Neill muốn gây ấn tượng với khách quốc tế mà mặc kệ nhiều người dân còn đói nghèo, giáo viên và công chức bị giảm lương."

Ngày 26/10, hàng ngàn người dân nước này đã tham gia cuộc đình công một ngày nhằm phản đối vụ mua xe Maserati. Trong số người biểu tình có tài xế xe tải, nhân viên sân bay.

Cuộc tẩy chay có sự ủng hộ của một số tổ chức công đoàn như Ngân hàng quốc gia Papua New Guinea, Công đoàn các đơn vị tài chính… Họ yêu cầu được cung cấp thông tin về việc chính phủ đã sử dụng tiền thuế của người dân như thế nào.

Tuy nhiên, ông John Paska, Chủ tịch Công đoàn Thương mại tiến bộ không ủng hộ đình công. Ông khẳng định các vấn đề nóng mà đất nước cần giải quyết là lương bổng, nhà ở, ngân sách cấp cho giáo dục y tế, chứ không phải là xe sang Maserati, và APEC 2018 rất quan trọng, chớ nên để kỳ họp này “bị chệch hướng”.

Nhà bình luận Martyn Namorong cho rằng cuộc đình công không nhằm chống các lãnh đạo quốc tế, mà là phản đối các quan chức, chính khách tham nhũng ngân sách khi tổ chức kỳ họp APEC.

Một số con đường dẫn vào thủ đô Port Moresby đang xây dựng đã bị ngưng lại, các lối đi đến những vùng nông thôn cũng không thông suốt. Một người dân theo đảng đối lập Madang nói: “Họ có thể mua 40 chiếc Maserati, nhưng không chịu tu bổ những chiếc cầu nối với vùng nông thôn”.

“Các chính khách ích kỷ chỉ muốn khoe mẽ” 

Các nhà quan sát cũng nghi ngờ khả năng chính quyền PNG bán được 40 chiếc Maserati bằng với giá mua.

Theo Reuters, một chiếc xe Maserati bán lẻ ở Australia có giá 141.560 USD, vượt xa khả năng chi trả của một người dân Papua New Guinea có thu nhập trung bình 2.400 USD/năm, theo số liệu của Liên hợp quốc.

Jonathan Pryke, một chuyên gia về chính sách đối ngoại ở khu vực Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu Lowy, Australia cho rằng “Thủ tướng O’ Neill hứa sẽ không tổ chức một kỳ họp APEC hoành tráng, thay vào đó là một kỳ họp khiêm tốn đậm chất Thái Bình Dương. Nên chăng hãy trang bị xe Land Cruiser của hãng Toyota, vì loại xe này phù hợp kinh tế của Papua New Guinea hơn?.

Nhà bình luận Keith Jackson người Papua New Guinea nhận định rằng vụ mua xe sang là “ý tưởng của các chính khách ích kỷ” muốn ra vẻ đất nước họ hiện đại. Về phía người dân, khi trông thấy xe sang chỉ càng đau lòng hơn vì họ không được cung cấp điện nước đầy đủ. Nhà bình luận Susan Merrell người PNG thì cho rằng việc này thể hiện “chính quyền xem thường người dân”.

Thảo luận