Có nên ngả về cả hai phía?

Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây ở Singapore, Thủ tướng quốc gia chủ nhà Lý Hiển Long bày tỏ sự lo ngại rằng các nước ASEAN có thể phải chọn đứng về một trong các bên đối tác đang tranh chấp.
Sputnik

«Nếu các vị kết thân với hai quốc gia đang giữ những lập trường khác nhau, thì đôi khi có thể thu xếp với cả hai, nhưng chắc không hiếm khi rất bất tiện», — ông Lý Hiển Long nhận xét và nói thêm rằng các nước ASEAN «rất không muốn đứng về bên nào».

Phát biểu của nhà lãnh đạo Singapore nhắc ta nhớ đến chương 16 của Phúc Âm Thánh Luca, răn rằng:

«Một kẻ tôi trung không thể thờ hai chủ: bởi vì hoặc sẽ căm ghét người này và mến người kia; hoặc sốt sắng với chủ này mà khinh màng chủ nọ".

Hiện nay ở Đông Nam Á nhiều người coi Hoa Kỳ và Trung Quốc là «sư phụ». Đương nhiên, theo nghĩa đây là những quốc gia hùng mạnh nhất trên bình diện kinh tế và chính trị-quân sự. Và vấn đề nổi cộm thời nay là hai quốc gia này đang kình địch với nhau. Dư luận thậm chí gọi những gì đang diễn ra trong quan hệ thương mại của họ là «chiến tranh». Bất kể tuyên bố của các chính trị gia cao cấp từ cả hai nước, mọi người đều hiểu rằng một trong những lĩnh vực của cuộc đối đầu Mỹ-Trung là tranh giành ảnh hưởng với các nước ASEAN.

Tuy nhiên, thời Phúc Âm đã là quá khứ xa xôi, còn những gì chúng ta có thể quan sát hôm nay lại chứng tỏ điều khác: có thể (và cần thiết) kết bạn và hợp tác với những nước khác nhau, bất kể mối quan hệ giữa các quốc gia đó đang ở tình trạng thế nào.

Trung Quốc ủng hộ Myanmar tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore

Một ví dụ là Philippines dưới thời Tổng thống Duterte. Đất nước này duy trì quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Chính giới hai nước hôm nay đều tuyên bố trung thành với Hiệp ước về phòng thủ chung mà họ đã cam kết. Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tiến hành chuyến thăm chính thức đến Washington và trong cùng tháng đó, Tổng Tham mưu trưởng Philippines, Carlito Galvez và Tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, Philip Davidson đã ký văn kiện dự trù sự tương tác của binh sĩ hai nước trong hàng chục hoạt động gắn với chống khủng bố và an ninh quốc tế trên biển, củng cố an ninh mạng, v.v….

Thế nhưng mới gần đây, Philippines đã long trọng đón tiếp chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch CHND Trung Hoa, đối thủ mà Washington đang tiến hành «cuộc chiến thương mại». Trong quá trình chuyến thăm đã công bố rằng các bên đã đưa quan hệ của họ lên trình độ hợp tác chiến lược toàn diện, là tầm mức cao nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Philippines cũng ủng hộ sáng kiến ​​của Trung Quốc "Một vành đai, một con đường", lại là thứ mà người Mỹ gay gắt chỉ trích.

Nguyên nhân của cách hành xử như vậy là gì? Là bởi trong thế giới hiện đại đang ngày càng trở nên đa cực, các quốc gia có quy mô đa dạng khác nhau nhất đều có thể tự mình kết thân, hợp tác với nước nào mà họ thấy cần thiết và phù hợp, mà không cần phải nhìn dè chừng dò phản ứng của bất kỳ ai.

Mà nói chung thì chính sách như vậy vẫn tốt hơn là đối đầu với ai đó theo chỉ thị của người khác. Như cách nói của người Việt Nam, tốt nhất là hãy sống «thêm bạn, bớt thù».

Thảo luận