Hình thức xử lý nhân viên vi phạm như thời trung cổ
Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguyễn Văn Minh là nhân viên "Công ty tài chính Nam Long" có trụ sở tại TP HCM (là công ty ma, không đăng ký). Từ tháng 4/2018, Minh làm việc cho công ty trên tại chi nhánh Bắc Kan. Nhiệm vụ của Minh là đi thu tiền nợmà khách hàng vay về nộp cho công ty. Tháng 7/2018, Minh thu tiền của khách hàng nhưng không nộp và còn cầm cố 1 chiếc xe máy của công ty để tiêu xài cá nhân, sau đó bỏ trốn.
Ngày 8/7/2018, Nguyễn Đức Thành (giám đốc Công ty Nam Long) chỉ đạo các chinh nhánh khu vực phía Bắc đến nhà Minh để đòi tiền. Đến ngày 9/7/2018, các đối tượng tìm thấy Minh tại Sóc Sơn (Hà Nội) sau đó tổ chức đánh hội đồng và đưa Minh về chi nhánh Hà Nội ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn).
Tại đây các đối tượng đưa ra hình thức "kỷ luật" đối với Nguyễn Văn Minh là yêu cầu xin lỗi, xin chữ ký từng người cho ở lại công ty hoặc đưa ra pháp luật. Đồng thời, đưa 1 bát cơm và 1 bát phân bắt minh chọn 10 lần. Nếu Minh bò đến bát cơm sẽ bị đá vào lưng, ngực, bụng để "dạy dỗ cách làm người". Cả 10 lần, nạn nhân bò đến bát cơm đều bị đánh.
Đến khoảng 4h ngày 10/7/2018, Nguyễn Đức Thành chỉ đạo Ngô Văn Chương đưa Minh về chi nhánh Thanh Hóa ở lô 7, đường Bà Triệu, P. Đông Thọ, Tp Thanh Hóa để tiếp tục "quản lý, cải tạo, dạy dỗ lại cách làm người". Tại đây, Chương giao nạn nhân cho 2 nhân viên mới trông coi. Đến 10h ngày 19/7/2018, do thấy sức khỏe của Minh yếu nên Chương đưa nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu, khi nghe bác sĩ nói bệnh nhân ngừng tim, chết lâm sàng thì Chương bỏ đi.
Công ty tài chính Nam Long hoạt động như thế nào?
Công ty kinh doanh cho vay tài chính dưới các hình thức hợp đồng trả góp trong thời hạn 41 ngày, mỗi ngày người vay phải trả số tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay và hợp đồng trả góp trong thời hạn 51 ngày, mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay; ngoài ra còn hợp đồng "lãi đứng" với mức lãi từ 15-30%/ngày.
Công ty ban hành các quy định để quản lý nhân viên như bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, hủy hoại bản thân và gia đình…Thủ đoạn hoạt động của công ty là tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn bằng cách tố cáo với cơ quan công an dưới dạng "vu khống"; sử dụng hàng trăm tài khoản cá nhân khác nhau ở nhiều ngân hàng tạo thuận lợi cho việc khách hàng nộp lãi mặt khác chi nhỏ rủi ro khi bị phát hiện… Đã có nhiều trường hợp nhân viên của công ty trên đã sủ dụng đe dọa bạo lức, sử dụng bạo lực để đòi nợ ở TP Cà Mau, Lạng Sơn.
Tính đến 11/2018, Cơ quan CSĐT đã xác định được 12/26 khu vực có số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại vay vốn có đủ số tiền từ 30 triệu đến 1,5 tỷ đồng.
Ngày 29/11, Công an Thanh Hóa đã công bố kết quả điều tra ban đầu vụ án này. Đại tá Khương Duy Oanh, phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện công an Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các Cục cảnh sát hình sự, các cục nghiệp vụ — Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục điều tra, xử lý vụ án.
Theo đại tá Khương Duy Oanh thì đây là một tổ chức hoạt động tín dụng quy mô, phức tạp với các hình thức tra tấn nhân viên như thời trung cổ nếu vi phạm; sử dụng nhân viên "dỗ ngọt" để mời khách hàng vay; sử dụng bạo lực để xử lý khách hàng quá hạn…