Các đối tượng cho vay nặng lãi đánh trúng tâm lý của người vay: nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, thậm chí không cần biết mục đích vay làm gì, trong khi nhu cầu vay vốn trong dân và cả doanh nghiệp nhỏ vẫn đang rất lớn. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên (giám đốc Công an Đà Nẵng) phát biểu.
Với những lời quảng cáo có cánh như không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập, chỉ cần "alô là có tiền" với lãi suất thấp, các đối tượng cho vay nặng lãi — tín dụng đenđã khiến nhiều người, chủ yếu là người nghèo sập bẫy, trở thành con mồi để họ "hút máu".
Dễ vay, khó thoát nợ
Ông Đ.B. (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn chưa hết lo sợ sau khi 2 vợ chồng ông bị đối tượng ngoài xã hội chém do con ông là Đ.T.D. (36 tuổi) vay tiền nhưng không có khả năng trả nợ.
Theo ông B., vợ chồng ông đã trả nợ cho con trai tổng cộng 10 lần với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Nhưng anh D. tiếp tục vay và nợ 80 triệu đồng rồi rời khỏi nơi cư trú, trong khi vợ chồng ông cũng không còn khả năng tiếp tục trả nợ thay.
Tương tự, chị Nguyễn Kim T.N. (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết vì cần tiền gấp, người nhà của chị đã vay của nhóm tín dụng đen 5 triệu đồng nhưng chỉ nhận 3,5 triệu đồng, tiền góp 250.000 đồng/ngày.
Do không có tiền trả, người này tiếp tục vay của một đường dây khác khiến số tiền gốc và lãi lên đến 45 triệu đồng, riêng tiền lãi phải nộp là 1,5 triệu đồng/ngày.
Khi mất khả năng trả nợ, nhiều người trong gia đình chị N. bị nhóm người lạ đe dọa, đổ keo dán sắt vào ổ khóa, thậm chí chặn đường đánh nhiều lần.
"Khi gia đình chạy vạy khắp nơi vay tiền để trả, nhóm này lại không chịu gặp. Phải nhờ công an can thiệp mới xong. Giờ nhắc tới tín dụng đen, cả nhà ai cũng tởn tới già" — chị N. chia sẻ.
Cũng vướng vào bẫy tín dụng đen, anh H.T.N. (TP Cần Thơ) chỉ vay 5 triệu đồng của nhóm cho vay ở quận Ninh Kiều, với lãi suất lên tới 60%/tháng.
Sau 3 tháng, do không có tiền đóng lãi, anh N. bị nhóm này ép viết giấy nợ số tiền 8 triệu đồng, buộc phải trả lãi hằng tháng.
"Vì không có tiền đóng lãi, tui lại bị ép viết giấy nhận nợ hơn 22 triệu đồng" — anh N. kể.
"Sau khi trả góp được một thời gian, do chịu hết nổi với lãi suất nên tui mới thương lượng với họ xin cho trả chậm dần. Nhưng tụi nó hăm dọa, rồi kéo vô nhà định đánh tui nên tui mới gọi điện báo công an. Bà Trần Thị Ngọc T.. (TP Vĩnh Long)
Bẫy "alô là có tiền!"
Các đối tượng thường nhắm vào những người dân lao động, kinh doanh nhỏ lẻ với mức cho vay từ 3-5 triệu đồng. Người vay chỉ cần đưa CMND, sổ hộ khẩu và dẫn họ về nhà để viết giấy vay nợ. Các đối tượng này sẽ cho người đến tận nhà thu tiền mỗi ngày.
Khi chúng tôi gọi vào một số điện thoại trên tờ rao vặt dán trên cột điện gần nhà, một giọng nam người miền Bắc khẳng định "thủ tục nhanh như điện, giải ngân trong vòng 5 phút, lãi suất hấp dẫn", đồng thời cho biết chỉ cần photo CMND hoặc hộ khẩu, giấy khai sinh của con, địa chỉ chỗ ở.
Đến khi thu tiền lãi sẽ có người đến tận nhà! Tuy nhiên, khi đã "sập bẫy", nạn nhân sẽ bị các đối tượng cho vay hành cho "lên bờ xuống ruộng".
Bà Trần Thị Ngọc T. (TP Vĩnh Long) — một nạn nhân của nhóm cho vay nặng lãi đến từ Hà Nội — cho biết do cần tiền gấp nên gọi vào số điện thoại trên một tờ rơi dán trên cột điện gần nhà để vay.
"Sau khi trả góp được một thời gian, do chịu hết nổi với lãi suất, tôi xin cho trả chậm dần. Nhưng tôi bị hăm dọa, sau đó chúng kéo vô nhà định đánh nên tôi mới gọi điện báo công an" — bà T. kể.
"Do lãi mẹ đẻ lãi con, tôi mất khả năng trả nợ, các đối tượng tiếp tục cho vay dồn dập để trả cái cũ. Khi tôi van xin được trả dần mà không vay thêm nợ khác, chúng nó không cho còn đánh tôi" — bà V. kể.
Khó xử lý tín dụng đen?
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh — phó giám đốc Công an TP.HCM, hoạt động tín dụng đen hiện rất phức tạp, khó xử lý, kiểm soát. Chỉ riêng tại TP.HCM mỗi tháng có khoảng 4 vụ hình sự liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tăng gấp 4 lần so với năm 2014.
Trong năm 2018, trên địa bàn có ít nhất 3 vụ giết người liên quan đến các hoạt động cho vay và thu hồi nợ. Trong khi đó, việc xử lý hoạt động này hiện gặp nhiều khó khăn do vướng luật, nạn nhân không hợp tác…
Dù có thời gian cho vay nhanh và thủ tục đơn giản, nhưng đối tượng cho vay thường không quy định lãi suất mà chỉ đưa ra số tiền lãi phải trả hằng ngày khiến người vay bị rối. Nhiều thỏa thuận cho vay còn không thể hiện hoặc không có chứng cứ rõ ràng nào về việc tính lãi.
Các đối tượng cho vay nặng lãi thường núp bóng các cơ sở cầm đồ, các công ty cho vay tài chính, câu kết với các nhóm đòi nợ thuê hoạt động ở nhiều tỉnh thành.
Nhiều thủ đoạn khủng bố, đe dọa của các đối tượng khiến người dân khiếp sợ, không dám tố cáo hoặc không hợp tác với cơ quan công an sở tại để điều tra, gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra, xác minh và xử lý.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, giám đốc Công an Đà Nẵng, cũng thừa nhận các đối tượng cho vay nặng lãi đã đánh trúng tâm lý của người vay: nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, thậm chí không cần biết mục đích vay làm gì.
Quan hệ dân sự giữa 2 bên diễn ra âm thầm cho đến khi không trả được mới tổ chức đòi nợ, dẫn đến trường hợp giết người, gây thương tích, bắt giữ người trái phép…
"Đến lúc đó nạn nhân mới báo cơ quan công an nên việc phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan công an cũng gặp khó khăn" — ông Viên nói.
Phải tăng cường trấn áp
Ngoài ra, phải tăng cường công tác lập danh sách các đầu mối, nắm chắc hoạt động của đối tượng và các cơ sở có dấu hiệu hoạt động phức tạp, làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có liên quan đến tín dụng đen…
Đặc biệt, phải tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trên địa bàn hiện có hơn 800 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm về lãi suất. Có đến hơn 2/3 là người đến từ các tỉnh phía Bắc, trong đó nhiều đối tượng đang bị điều tra, truy nã.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cũng cho biết Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các lực lượng rà soát, lập danh sách khoảng 262 đối tượng ở TP cấu kết với 64 đối tượng ngoại tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc chuyên cho vay nặng lãi và có biểu hiện băng nhóm đi đòi nợ thuê.
Ngoài ra, các lực lượng được chỉ đạo giám sát mọi hoạt động, thu thập tài liệu và củng cố chứng cứ để sẵn sàng xử lý trong thời gian tới.
Công an TP Đà Nẵng cũng đã lên danh sách các đơn vị núp bóng doanh nghiệp có dấu hiệu cho vay nặng lãi với danh nghĩa cầm đồ, mua bán ôtô, xe máy… Trong thời gian tới, lực lượng tuần tra 8394 sẽ tăng cường tuần tra, mật phục để xử lý số đối tượng thường xuyên dán apphich.
"Chúng tôi hi vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Công an TP, hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm sẽ giảm" — ông Viên nói.
Làm gì khi bị khủng bố, ném chất bẩn?
Nạn nhân cũng có thể gọi cho đường dây nóng 24/24 giờ của lực lượng công an là 113 để ghi nhận ban đầu làm căn cứ để xử lý.
"Gọi cho cảnh sát 113 để xử lý nóng, tiếp cận hiện trường ngay, khám nghiệm, ghi nhận hiện trường, thu thập chứng cứ ngay từ đầu để làm căn cứ, chứng cứ xử lý các tội danh tương ứng như hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích…" — thượng tá Lại Quang Huấn hướng dẫn.
Thượng tá Trần Văn Dương (trưởng phòng tham mưu Công an TP Cần Thơ):
Đã khởi tố 3 vụ
Thời gian qua, Công an TP Cần Thơ đã xử lý 47 vụ liên quan đến 113 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, thu giữ trên 200 hồ sơ vay.
Cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự 2 vụ với 3 đối tượng về tội "cho vay nặng lãi", khởi tố 1 vụ với 3 đối tượng về hành vi "chống người thi hành công vụ" và 5 vụ với 15 đối tượng về các tội cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật, phát sinh trong quá trình đi đòi nợ thuê.
Thượng tá Trương Văn Sáu (trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang):
Cần có biện pháp xử lý nặng hơn
Chúng tôi đã chỉ đạo tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc vay nặng lãi, tín dụng đen, tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức rao vặt trên đường, đồng thời rà soát lên danh sách các tổ chức, cá nhân có biểu hiện cho vay nặng lãi để đấu tranh.
Tuy nhiên, việc xử lý loại tội phạm cho vay nặng lãi còn khó khăn do người dân vay không tố giác với lực lượng công an. Chỉ khi các đối tượng đến đòi nợ và thực hiện các hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa thì lực lượng công an mới phát hiện.
Chưa kể, việc chứng minh cho vay nặng lãi còn khó khăn vì có những quy định của pháp luật chưa được rõ ràng.
Do đó, theo tôi, ngoài việc tổ chức trấn áp các đối tượng cho vay nặng lãi, các cơ quan chức năng cần rà soát đề xuất, sửa đổi các văn bản vi phạm pháp luật hình sự, dân sự có quy định về tín dụng đen nhằm có cơ sở chế tài, xử lý nặng các đối tượng này để răn đe.
Đại tá Nguyễn Văn Hiểu (giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long):
Lập danh sách các đối tượng
Công an tỉnh Vĩnh Long vừa chỉ đạo cho các phòng, đơn vị nghiệp vụ trên địa bàn mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi.
Các đơn vị được yêu cầu rà soát, lập danh sách tất cả các đối tượng, băng nhóm, tụ điểm tệ nạn xã hội và tội phạm có tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi để phân công cụ thể cho đợt tấn công, triệt xóa.
Các đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm rà soát, lập danh sách các đối tượng tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi báo cáo lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo xử lý.
Riêng đối với những đối tượng, băng nhóm tội phạm mới bị phát hiện, hoặc bị nhân dân phản ảnh, các địa phương và đơn vị phụ trách phải chịu trách nhiệm.
Trung tá Lê Thanh Tùng (phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp):
Cách ly các đối tượng cho vay nặng lãi
Dù địa phương đã triệt phá hàng chục vụ và xử lý hàng trăm đối tượng nhưng "mầm mống" hoạt động cho vay nặng lãi vẫn còn, sẵn sàng "trở mình" nếu lực lượng chức năng "chùn tay".
Trước đó, tháng 5-2018, sau hàng chục vụ đòi nợ mang tính bạo lực làm 1 người chết và 4 người bị thương trên địa bàn, Công an tỉnh Đồng Tháp đã mở đợt cao điểm truy quét hoạt động "tín dụng đen".
Kết quả đã triệt xóa 80 vụ, phát hiện và xử lý 166 đối tượng, khởi tố 1 vụ việc cố ý gây thương tích, thu giữ gần 700 hợp đồng cho vay.
Đại tá Nguyễn Giang Nam (phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang):
Lập chuyên đề chống tín dụng đen
Thủ đoạn hoạt động của số đối tượng này thường núp bóng các công ty, doanh nghiệp (có 144 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh…) cấu kết với đối tượng hình sự. Một số vụ đã bắt giữ con nợ, đánh đập, cưỡng đoạt tài sản, xiết nợ.
Thời gian qua, Công an tỉnh Kiên Giang đã xử lý hình sự 11 vụ, 30 đối tượng; xử phạt hành chính 13 vụ, 21 đối tượng; đồng thời kiểm tra xử lý 46 cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính không có giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, việc xử lý triệt để các đối tượng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giao dịch giữa các đối tượng và người vay đều là thỏa thuận miệng, người vay không tố giác cơ quan chức năng…
Ông Lê Thanh Hùng (trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Lâm Đồng):
Rào chắn ngay từ cổng làng
Cùng với hoạt động điều tra, trấn áp tội phạm của lực lượng công an, tôi cho rằng trong đấu tranh với tội phạm cho vay nặng lãi — "tín dụng đen", cần cung cấp thông tin về các dấu hiệu loại hình tội phạm này để người dân tự cảnh giác.
Cái chính vẫn là nâng cao "sức đề kháng cho người dân".
Chúng tôi từng có đề xuất các ngân hàng tăng cường tổ chức điểm giao dịch lưu động. Một mặt mang thông tin tín dụng đến tận những vùng sâu vùng xa nơi đang nóng từng ngày vì "tín dụng đen", một mặt cung cấp thông tin có ích liên quan đến các gói vay ngắn hạn, dài hạn cho người dân.
Có rào chắn tốt ngay từ cổng làng, người dân mới được bảo vệ trước nạn "tín dụng đen".