Mới đây Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố kế hoạch mua sắm 40 tiêm kích tàng hình có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng F-35B để trang bị cho các khu trục hạm mang trực thăng lớp Izumo để biên chúng thành tàu sân bay hạng nhẹ.
Trước đó Tokyo cũng đã ký hợp đồng mua tới 42 tiêm kích F-35A phiên bản cất hạ cánh thông thường.
Vận hành phi đội F-35 với số lượng như trên sẽ đảm bảo duy trì năng lực chiếm ưu thế trên không cho Nhật Bản, tuy nhiên đi kèm với đó thì gánh nặng tài chính cũng là rất lớn, vì vậy Tokyo cần có động thái tìm cách giảm nhẹ áp lực.
Một phương án được đưa ra và theo đánh giá là rất khả thi, đó là Nhật Bản sẽ tìm cách bán bớt phi đội tiêm kích hạng nặng F-15 của mình cho các quốc gia Đông Nam Á với giá hữu nghị, vừa giúp nâng cao sức mạnh cho đồng minh lại vừa có lợi cho chính mình.
Mới đây tờ Nikken Asia Review đã dẫn nguồn tin từ một số quan chức Nhật Bản cho biết, Washington và Tokyo đang tìm cách giải quyết các chi tiết về số lượng, đơn giá của những chiếc F-15 sẽ bán cho bên thứ 3.
Thỏa thuận này sẽ cho phép Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu F-15 cũ cho các quốc gia Đông Nam Á với chi phí phải chăng.
Không quân Nhật Bản hiện đang vận hành khoảng 200 tiêm kích F-15J, chúng đang giữ vai trò chủ lực trong thế trận bảo vệ bầu trời quốc gia Đông Bắc Á. Khoảng một nửa phi đội F-15 đã được nâng cấp bằng các thiết bị điện tử hàng không tiên tiến.
Mặc dù vậy, do độ bền khung thân của tiêm kích F-15 là rất tốt cho nên chúng vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi được tiến hành đại tu và thay thế một số bộ phận cốt lõi, khi đó tối thiểu những chiếc F-15 này cũng phục vụ được thêm khoảng 3.000 giờ, tức là tương đương Su-30MK2 sản xuất mới.
Tính năng của F-15 cũ cũng được nhận định là rất đáng gờm khi chúng vẫn có màn thể hiện xuất sắc tại những cuộc chiến được Mỹ tiến hành, cho nên đây sẽ là sự bổ sung đáng giá cho một số quốc gia có tiềm lực quân sự nói chung cũng như sức mạnh không quân còn hạn chế.
Liệu đây có phải là cơ hội lớn dành cho các nước như Việt Nam?