Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Minh (SN 1999, trú thôn Liên Tân, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) là nhân viên công ty tài chính Nam Long có trụ sở tại TP.HCM (công ty ma, không đăng ký).
Từ tháng 4/2018, Minh làm việc cho công ty trên tại chi nhánh Bắc Kạn với nhiệm vụ đi thu tiền nợ.
Tháng 7/2018, Minh thu tiền của khách hàng nhưng không nộp và còn cầm cố 1 chiếc xe máy của công ty (tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng) để tiêu xài cá nhân, sau đó bỏ trốn.
Ngày 8/7, Nguyễn Đức Thành, GĐ công ty Nam Long, chỉ đạo các chi nhánh khu vực phía Bắc đến nhà Minh đòi tiền.
Hôm sau, các đối tượng tìm thấy Minh tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tổ chức đánh hội đồng và đưa Minh về chi nhánh ở xã Tiên Dược.
Các đối tượng đưa ra hình thức "kỷ luật" đối với Minh là yêu cầu xin lỗi, xin chữ ký từng người cho ở lại công ty hoặc đưa ra pháp luật.
Đến khoảng 4h, ngày 10/7, Nguyễn Đức Thành chỉ đạo Ngô Văn Chương đưa Minh về chi nhánh Thanh Hóa ở lô 7, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa để tiếp tục "quản lý, cải tạo, dạy dỗ lại cách làm người".
Tại đây, Chương giao nạn nhân cho 2 nhân viên mới trông coi. Đến 10h ngày 19/7, do thấy sức khỏe của Minh yếu nên Chương đưa nạn nhân đến BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu. Khi nghe bác sĩ nói bệnh nhân ngừng tim, chết lâm sàng thì Chương bỏ đi.
Kết quả khám nghiệm tử thi ghi nhận trên người nạn nhân có nhiều vết bầm tụ máu, dập lách, tổn thương một số cơ quan nội tạng.
Xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi rộng và chuyên nghiệp, Công an Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công an và lập chuyên án đấu tranh, triệt xóa.
Lãi ‘cắt cổ'
Công ty dịch vụ tài chính Nam Long do Nguyễn Đức Thành (SN 1988), trú phường Cầu Kho (quận 1, TP.HCM) cầm đầu, hoạt động từ năm 2017 đến nay.
Công ty có 26 chi nhánh (khu vực) ở 63 tỉnh, TP trên toàn quốc, mỗi chi nhánh phụ trách từ 2 đến 5 tỉnh.
Nhân viên phải chịu các quy định rất khắt khe, mang tính ràng buộc, khống chế, đe dọa bằng các hình phạt tiêu cực như:
"Nếu phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường 100 triệu đồng; chặt ngón tay; hủy hoạt bản thân và gia đình; "đánh đòn sa thải"; "phạt cải tạo trong công ty…".
Công ty kinh doanh cho vay tài chính dưới các hình thức hợp đồng trả góp trong thời hạn 41 ngày, mỗi ngày người vay phải trả số tiền gốc và lãi là 3%; thời hạn 51 ngày phải trả 2,5%, ngoài ra còn hợp đồng "lãi đứng" với mức lãi từ 15-30%/ngày.
Quy chế của công ty xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ, tuy nhiên thực tế lại khác.
Trường hợp khác, chị D. ở Lạng Sơn vay 100 triệu đồng trong 50 ngày, thỏa thuận 10 ngày trả 25 triệu, phí ngoài hợp đồng 7 triệu và trừ lãi và gốc 10 ngày đầu, khi giải ngân thực tế chị D. chỉ nhận được 68 triệu.
Sau lần chị trả lãi và gốc lần thứ 3 nhưng thiếu 10 triệu đồng chưa kịp xoay xở, ngay lập tức công ty Nam Long đã cử 11 người đến trang trại nhà chị bắt đi 21 con lợn thịt 50kg/con; 5 con lợn rừng 70kg/con; 1 lợn mẹ 200kg; hơn 20 con dê từ 20-30kg/con… để tất toán.
Đại tá Khương Duy Oanh, PGĐ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết bước đầu triệt phá thành công băng nhóm tín dụng đen có vòi bạch tuộc khắp cả nước.
Theo kết quả điều tra ban đầu, công ty Nam Long sử dụng 70 tài khoản ở 7 ngân hàng có số tiền giao dịch hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng ở 26 khu vực. Hiện cơ quan công an đã xác minh được 100 khách hàng vay trên.
Công an Thanh Hóa đã xác định được 12/26 khu vực có số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại vay vốn có đủ số tiền từ 30 triệu đến 1,5 tỷ đồng.
"Công an Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các Cục Cảnh sát hình sự, các cục nghiệp vụ Bộ Công an, công an các tỉnh, TP trong cả nước tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Oanh thông tin.