Theo hãng tin Bloomberg, trong khi nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những than phiền về bất bình đẳng giới tính thì tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hàng đầu cả nước lại được điều hành bởi phụ nữ.
Tổng giám đốc công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đang điều hành một đế chế trị giá 10 tỷ USD. Nhà sáng lập Nguyễn Thị Phương Thảo của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Nhìn sang lĩnh vực trang sức đá quý, Việt Nam có bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Ở mảng thiết bị, chúng ta có bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE).
Xét về tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động, Việt Nam đang đứng đầu thế giới với 73%. Không dừng lại ở đó, số liệu của Global Entrepreneurship Monitor còn cho thấy cứ mỗi 1 nam doanh nhân khởi nghiệp tại Việt Nam thì có 1,4 nữ doanh nhân cũng làm startup. Đáng kinh ngạc hơn, nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam, một tỷ lệ ngang với Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam đã nổi tiếng kiên cường. Trong các cuộc chiến giải phóng dân tộc trước đây, rất nhiều nam giới đã tử trận và chính người phụ nữ Việt Nam đã thay thế những người cha, anh, con để làm việc và thay thế cho nguồn lao động của đất nước.
Đến năm 1986 khi nền kinh tế Việt Nam cải cách mở cửa, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trở thành nhân tố chủ chốt làm nên thành công của đất nước. Mặc dù kinh tế Việt Nam bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh còn tỷ lệ nam nữ dần phục hồi nhưng vai trò của nữ giới chưa bao giờ bị suy giảm mạnh tại đây.
Tại những quốc gia khác, việc người phụ nữ mang thai làm việc sát ngày sinh nở hay ngay sau khi sinh đẻ là điều hiếm nhưng tại Việt Nam, câu chuyện lại khá bình thường khi nữ giới chiếm tỷ lệ khá lớn trong thị trường lao động.
Xét về dân số, Việt Nam chỉ đứng thứ 15 trên thế giới và thậm chí sau cả Indonesia, Pakistan, Bangladesh hay Philippines. Tuy nhiên, việc phụ nữ tham gia phát triển kinh tế đồng đều lại giúp Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều nước, vốn có văn hóa trọng nam khinh nữ mạnh cũng như kìm kẹp nữ giới.
Tỷ lệ nữ giới tham gia lao động tại Pakistan và Bangladesh tương ứng chỉ là 25% và 33%, thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Tương lai ra sao?
Vậy ai là lao động chính của ngành dệt may, da giày? Chính là những người phụ nữ.
Thậm chí ở nhiều ngành lắp ráp, các nhà máy cũng ưu tiên lao động nữ bởi tính cần cù, khéo léo, có trình độ và được xã hội công nhận, một điều khó tìm thấy ở những nước có văn hóa bảo thủ khác.
Theo Bloomberg, sự giải phóng đối với người phụ nữ là một trong những nguyên nhân chính khiến Việt Nam trở thành quốc gia mới nổi duy nhất tại châu Á ngoài Trung Quốc nhận ròng nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong một năm đầy biến động như 2018. Rất nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư dự đoán Việt Nam sẽ là người hưởng lợi lớn nhất khi cuộc chiến thương mại Mỹ — Trung đang tiếp diễn.
Dẫu vậy, không phải mọi thứ đều thuận lợi cho Việt Nam, Báo cáo của McKinsey Global Institute cho thấy bất bình đẳng thu nhập theo giới tính tại Việt Nam vẫn cao hơn cả các nước láng giềng như Malaysia hay Philippines.
Cũng tương tự như Trung Quốc, khi tầng lớp trung lưu giàu có hơn, phụ nữ thường bị bắt ở nhà chăm con hoặc bị đối xử bất công tại nơi làm việc. Nhiều chuyên gia lo lắng Việt Nam sẽ lại tiếp bước Trung Quốc và Ấn Độ khi nền kinh tế phát triển với tỷ lệ trẻ em nam vượt trội bé nữ do các bà mẹ phá thai để có được con trai.
Bất chấp những điều đó, Việt Nam vẫn là thị trường đầy thu hút với các nhà đầu tư và công đóng góp lớn cho điều đó chính là những người phụ nữ.