Liên quan đến vụ việc ông Đinh Bằng My "Hiệu trưởng dâm ô hàng loạt học sinh nam" xảy ra tại Trường phổ thông Dân nội trú THCS Thanh Sơn, Phú Thọ gây xôn xao dư luận.
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Thu Hương — Giảng viên khoa Tâm lý học (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn — ĐH Quốc gia Hà Nội) dưới góc độ tâm lý học.
— Thưa PGS.TS. Trần Thu Hương, bà có thể cho biết quan điểm của mình về về vụ việc này?
Tôi cho rằng, người ta đang quá tập trung vào việc khai thác thông tin sự việc, nhưng những vấn đề khác quan trọng với người trong cuộc hơn thì lại bị bỏ qua.
Câu chuyện xâm hại trẻ em không phải đến giờ mới có, mà đã tồn tại từ rất lâu trong mọi xã hội. Thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người ta đưa nhiều câu chuyện ra ánh sáng nhằm tạo niềm tin, thúc đẩy nạn nhân đứng lên đấu tranh.
— Hiệu trưởng Đinh Bằng My từng hùng biện về việc "Chống xâm hại tình dục trẻ em" nhưng bản thân ông ta lại là kẻ đi xâm hại và bị dư luận "ném đá" kịch liệt. Quan điểm của bà thế nào về vấn đề này?
Khi các vụ việc bị phát hiện ra, chúng ta chưa thể biết hệ quả sẽ thế nào. Ở khía cạnh pháp luật, những người gây ra chuyện thì hoặc bị xử phạt, hoặc bị ra khỏi ngành…
Người ta tập trung chỉ trích đối tượng đến mức tôi có cảm giác rằng nếu có thể làm cho những người như vậy "biến mất" khỏi thế gian thì cũng đồng tình. Tôi không có ý biện minh hay bênh vực người hiệu trưởng kia, nhưng tôi cho rằng mọi người cần phải bình tĩnh để nhìn nhận sự việc một cách khách quan nhất và tránh làm tổn thương những đứa trẻ.
Nếu một ai đó làm sai thì việc phán xử thế nào thuộc về trách nhiệm của tòa án. Điều quan trọng là khi tất cả mọi người đang lên án người gây ra tội, thì các em học sinh lại bị bỏ rơi. Các em đã phải tự chống chịu sự đau đớn về thể chất và tinh thần khi bị xâm hại trong im lặng và bây giờ các em lại tiếp tục chống chịu sự giày vò mà truyền thông đem tới.
Nỗi đau chồng tiếp nỗi đau. Nếu có hỏi các em, thì người ta cũng chỉ cần thông tin để có minh chứng cho việc trừng phạt người hiệu trưởng kia, chứ họ không mấy quan tâm đến việc các em ấy được đưa đi gặp những chuyên gia nào, tiến trình can thiệp tâm lý đối với các em đến đâu, tình trạng của các em ấy giờ sao rồi…
Việc làm đạo đức là hãy quan tâm đến những nạn nhân và cần tìm hiểu tại sao hiệu trưởng My lại làm điều đó.
Một điều nữa, khi ông My hùng biện, phát biểu về Chống xâm hại tình dục trẻ em là ông ta đang làm công việc của mình. Còn chuyện lạm dụng lại thuộc về hành vi cá nhân.
— Theo TS., chúng ta cần có góc nhìn thế nào về vị hiệu trưởng này?
Đầu tiên, tôi cho rằng có thể ông My không có cảm giác an toàn trong mối quan hệ với người khác giới nên muốn trốn trong một mối quan hệ đồng giới. Chẳng hạn, nếu thầy yêu cầu các bạn học sinh nữ lên phòng hiệu trưởng thường xuyên thì rất dễ bị nghi ngờ. Mối quan hệ đồng giới có vẻ an toàn hơn, vì vậy sự việc mới có thể kéo dài nhiều năm.
Một phần, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn là không có, một phần chẳng mấy ai nghi ngờ khi thầy hiệu trưởng gọi học sinh nam lên phòng làm việc của mình. Bên cạnh đó, các bạn học sinh thường còn rất ngây thơ, trong sạch, nên nguy cơ xảy ra truyền nhiễm hầu như không có.
Góc độ thứ hai chúng ta có thể xét là dạng bệnh lý xã hội. Trong cuộc sống đời thường, ông My có thể đã từng gặp biến cố, tổn thương rất lớn, trừ phi ông My rơi vào tình
Những người đi xâm hại người khác ít nhiều trong quá khứ từng là nạn nhân. Và vấn đề là ở chỗ, chúng ta đang bỏ rơi các học sinh là nạn nhân, dẫn đến hệ quả là có thể nhiều năm sau sẽ xuất hiện một hay một số câu chuyện tương tự mà thủ phạm là một trong số các em. Xã hội đang bỏ qua những điều đó bởi người ta đang chỉ quan tâm đến chuẩn mực xã hội, là khái niệm đúng và sai. Đôi khi chúng ta cũng phải xem xét những vấn đề khác nữa để nhìn nhận đúng từng con người.
Góc độ thứ ba nằm ở bệnh lý, tức là chính cá nhân hiệu trưởng có vấn đề về tâm lý. Chưa bao giờ người ta quan tâm đến lỗ hổng này khi xét tuyển một cá nhân nào đó vào ngành, mà chỉ khi nảy sinh các vấn đề thì mới xem xét sức khỏe tâm thần. Mặt khác, những đối tượng bệnh lý thường giấu mình rất kĩ, rất khó phát hiện hành vi của họ. Đó là góc độ tâm thần cá nhân.
Tại sao các nạn nhân lại im lặng khi các em bị lạm dụng trong suốt nhiều năm?
Nét văn hóa truyền thống ở Việt Nam có tác động lớn đến những vấn đề nhạy cảm này. Thường thì người ta không bao giờ muốn nhiều người biết về chuyện xấu của mình.
Cần phải có những biện pháp can thiệp về tâm lý với các em. Nếu xử lý không tốt thì các em sẽ dần tự cô lập bản thân, ít nhiều bị rối nhiễu. Một số em có thể sẽ trầm cảm, một số em khác bị lo âu, một số bị ám ảnh… Mức độ nặng nhẹ của các rối nhiễu này hoặc sự vượt qua đau khổ hay không còn tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân của từng học sinh.
— Liệu có những biện pháp gì để tránh những câu chuyện tương tự xảy ra?
Ở khía cạnh văn hóa, tôi nghĩ sẽ rất khó để làm được. Điều này có liên quan đến sự dân chủ trong từng gia đình. Nếu bố mẹ luôn lắng nghe, đồng hành với con, chắc chắn sẽ không có chuyện con không thể chia sẻ. Tôi nghĩ gia đình luôn là điểm tựa an toàn nhất cho các con, đừng để đến khi mọi thứ quá muộn rồi mới nói. Điều đáng buồn, là đa phần nhiều bố mẹ không cần biết con nghĩ gì, không biết cái gì mới thật sự tốt cho con mà luôn áp đặt chúng phải nghe lời.
Xin cảm ơn bà về buổi phỏng vấn!