Bức tranh Việt Nam năm 2018 qua ống kính báo chí nước ngoài

Năm 2018 sắp kết thúc. Đối với Việt Nam, năm sắp qua chứa đầy những sự kiện quan trọng được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Sputnik đã viết về điều đó trong mục điểm báo hàng tuần. Sự kiện nào đã thu hút sự chú ý lớn nhất của báo chí nước ngoài trong năm sắp qua?
Sputnik

Các phương tiện truyền thông Mỹ vẫn viết nhiều về chủ đề Chiến tranh Việt Nam. Đầu năm 2018 ở Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều bài viết về "Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968". Đây là bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam, theo tác giả bài dài đăng tải trên tạp chí History. Trong con mắt hàng triệu người Mỹ, chiến thắng của siêu cường toàn cầu trong cuộc chiến chống nước Việt Nam nhỏ và nghèo chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng, cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, khi quân đội miền Bắc đột ngột tấn công vào các thị trấn và làng mạc miền Nam và các mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của đối phương đã làm cho nhiều người Mỹ nghi ngờ tính đúng đắn của chiến lược chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành. Cuộc tổng tấn công đã tiết lộ sự thật về sự hiện diện của khoảng nửa triệu lính Mỹ ở Việt Nam: ba năm cuộc chiến và những thiệt hại nặng nề đã không mang lại kết quả mà chỉ dẫn đến chỗ bế tắc, đẫm máu kéo dài. Sau cuộc tổng tấn công đã xuất hiện những lực lượng và đã xảy ra một số sự kiện dần dần dẫn đến sự thất bại hoàn toàn, và quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam vào năm 1975, tạp chí viết.

Truyền thông nước ngoài đã dành sự quan tâm lớn cho chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam, do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được thực hiện. Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang. So sánh các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc chiếm vị trí cao nhất ở nước mình, tạp chí Foreign Policy viết rằng, tính tình và phong cách lãnh đạo của họ có nhiều khác biệt đến đối lập. Tạp chí ghi nhận đặc điểm khiêm nhường của ông Nguyễn Phú Trọng trái ngược với kiểu độc tôn cá nhân của ông Tập Cận Bình. Ông Tập khẳng định quyền thống trị của mình trong đất nước, cố gắng kết hợp ý thức hệ cứng rắn với những đòi hỏi của thế kỷ 21. Còn ông Nguyễn Phú Trọng đang dẫn dắt cải cách kinh tế chậm nhưng bình ổn, phấn đấu để đảm bảo sự cân bằng giữa tình đồng chí anh em với Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự ấm áp trong quan hệ với Washington, mà theo quan điểm của Hà Nội, sẽ giúp Việt Nam chống lại những gì mà cả hai nước đều coi là tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mô hình quản trị của Việt Nam có thể hấp dẫn không chỉ với  thế hệ cộng sản trẻ ở Cuba và Bắc Triều Tiên, những người đang phấn đấu vươn đến cải cách, mà còn thu hút làm gương cho cả các quốc gia khác.

Báo chí quốc tế đã viết rất nhiều về việc Việt Nam đang củng cố quan hệ với những quốc gia trên tất cả các châu lục, và đặc biệt chú ý đến sự hợp tác Việt-Mỹ. Ví dụ, bình luận về mối quan hệ này, trang web NEWS.com.au  nhận xét: "Hai cựu thù đã thống nhất cố gắng để chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc ở biển Đông. Washington tìm cách khôi phục ảnh hưởng của mình trong khu vực này, bị đe dọa trước quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Trung Quốc hiểu điều đó. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam không chắc sẽ cùng Hoa Kỳ chiến đấu chống lại Trung Quốc."

Tuy nhiên, chủ đề chính trong các bài viết và thông tin về Việt Nam trên báo chí quốc tế là sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài, sự phát triển của các công nghệ ứng dụng và tạo ra những ngành công nghiệp mới. Một thí dụ nổi bật nhất là 2 chiếc xe VinFast đã cập bến sân khấu lớn Paris Motor Show 2018.  VinFast làm nên tự hào thương hiệu Việt trên "làng" xe thế giới.

Tổng kết kết quả của năm qua, Bloomberg viết: "Sự tăng trưởng cả năm là 7,1%. Chỉ số này được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa ổn định và gia tăng xuất khẩu, sản xuất và đầu tư nước ngoài. Chính phủ sử dụng tình huống căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để củng cố uy tín của đất nước với tư cách là nhà sản xuất hàng xuất khẩu, bán mọi thứ từ giày dép đến điện thoại thông minh. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gấp khoảng hai lần GDP của đất nước — nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác, ngoại trừ Singapore. Việt Nam đã sẵn sàng chiếm một phần thị phần toàn cầu của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Rõ ràng Việt Nam là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại".

Báo chí thế giới đã viết rất nhiều về những điểm tham quan của Việt Nam. Chủ đề được quan tâm nhiều nhất trên mạng Internet là cây cầu vàng được xây dựng ở Đà Nẵng, đây là nội dung chính trong nhiều bài phóng sự đã xuất hiện trên báo chí của cả tân thế giới và cựu thế giới. Cây cầu vàng dài 150 mét uốn lượn trong lòng đôi bàn tay khổng lồ. Từ cây cầu này, khách du lịch ngắm cảnh đẹp ngoạn mục của núi rừng, cây cầu nổi bật giữa màu xanh của núi rừng và biển xanh. Theo tờ HuffPost, đây là "cây cầu tuyệt vời nhất trên thế giới" và địa điểm lý tưởng để chụp ảnh cho Instagram và lễ đám cưới.

Đối với bóng đá Việt Nam, năm 2018 là thời gian tuyệt vời, tờ Fox Sport viết. Việt Nam khởi đầu năm mới với Huy chương Bạc giải U23 châu Á 2018, và đã tiến lên trong suốt 1 năm qua. Đội tuyển Việt Nam đã trở thành nhà vô địch của AFF Cup 2018, phải thừa nhận Việt Nam là đội bóng xuất sắc nhất AFF Cup năm nay, họ xứng đáng để tận hưởng niềm vui sau 10 năm dài chờ đợi. ĐT Việt Nam đang thực hiện một trong những cuộc đua dài nhất bất bại trong thế giới bóng đá".

Hy vọng rằng, năm 2019 sắp tới sẽ là thời gian còn thành công hơn nữa đối với Việt Nam. Chúc năm mới bình an và thịnh vượng!

Thảo luận