Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Thành không phải cán bộ ngân hàng. Một người khác liên quan vụ án làm Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á cũng bị khởi tố nhưng được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ.
Giữa năm 2018, khách hàng đến VietABank chi nhánh Đông Đô (ở đường Lê Văn Lương, Hà Nội) được Nguyễn Thị Hà Thành đón tiếp. Thấy người phụ nữ này thoải mái ra vào quầy giao dịch, phòng Giám đốc và được nhân viên ngân hàng tôn trọng, khách hàng nghĩ Thành là sếp ở VietABank.
Lấy lý do cần tăng doanh số tiền gửi, Thành thuyết phục khách hàng lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với cô ta để hưởng lãi suất ưu đãi. Đầu tháng 12, anh Đặng Nghĩa Toàn (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) và nhiều khách hàng khác phát hiện sổ tiết kiệm đồng sở hữu bị Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm thế chấp vay vốn.
Xem hồ sơ vay vốn ngân hàng cung cấp, anh Toàn và người gửi tiết kiệm thấy rằng chữ ký trên giấy tờ là giả. Những khách hàng này và VietABank sau đó đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Thị Hà Thành đến cơ quan an ninh điều tra.
Theo đơn tố cáo, anh Toàn bị ngân hàng phong tỏa sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng, ông Triệu Hùng Cường (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và em gái bị chiếm đoạt 6 sổ tiết kiệm có tổng trị gia 170 tỷ đồng. Ngoài ra, một số cá nhân khác có sổ tiền từ 15 tỷ đồng cũng bị nhóm của Thành đem cầm cố vay vốn khoản tiền tương đương bằng hồ sơ giả mạo.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cơ quan Công an đang tiếp tục xác minh các trường hợp khác để xác định tổng số tiền bị chiếm đoạt.
VietABank khẳng định đang hợp tác với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, ngân hàng.