Biển Đông

Philippines muốn tham vấn Việt Nam về vấn đề Biển Đông và COC, Trung Quốc sẽ tìm cách cản

Philippines tham khảo ý kiến Việt Nam, chia sẻ quan điểm và đánh giá với nhau về COC có thể dẫn đến một kế hoạch hành động thống nhất có lợi cho cả hai nước, GDVN tổng hợp.
Sputnik

GMA Network ngày 4/1 đưa tin, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã đề xuất một cuộc tham vấn chung giữa Philippines và Việt Nam xung quanh những điều khoản chính của bản dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

National Interest: Thế chiến III có thể bắt đầu ở Biển Đông

Ông cho rằng, việc Philippines tham khảo ý kiến Việt Nam, chia sẻ quan điểm và đánh giá với nhau về COC có thể dẫn đến một kế hoạch hành động thống nhất có lợi cho cả hai nước lẫn các nước khác trong khu vực.

Động thái này nếu diễn ra sẽ mang một thông điệp, các bên yêu sách có thể liên kết với nhau, tăng cường sức mạnh tập thể trong việc đàm phán COC, bởi Trung Quốc đang ngày một hung hăng hơn trên Biển Đông.

Một bản tin của Reuters trước đó nói rằng, Việt Nam đề xuất cấm thiết lập khu nhận diện phòng không trên Biển Đông, làm rõ các quyền lợi hàng hải trong luật pháp quốc tế trên Biển Đông;

Phản đối đề xuất của Trung Quốc về việc cấm tập trận chung trên Biển Đông với các nước ngoài khu vực, phản đối đề xuất của Trung Quốc về việc cấm các nước ven Biển Đông hợp tác khai thác dầu khí với các doanh nghiệp ngoài khu vực nếu không được các bên ký COC đồng ý…

Trung Quốc có khả năng sẽ phản đối các đề xuất này.

ASEAN có thực sự đối trọng được với Trung Quốc?
Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario cho rằng, quan điểm và đề xuất nói trên của Việt Nam về COC cần được ủng hộ toàn diện, không chỉ từ Philippines, mà phải cả khối ASEAN.

Nếu đạt được sự đồng thuận này, ASEAN sẽ cho thế giới thấy tổ chức này sẵn sàng bảo vệ vai trò trung tâm của mình, không để bị bắt nạt hay mua chuộc.

Tháng 10 năm 2018, trong chuyến thăm Manila Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC với mục tiêu hoàn tất trong 3 năm tiếp theo.

"Chúng tôi sẽ cần phải hết sức cảnh giác để đảm bảo rằng, Bắc Kinh không thể lợi dụng COC vào mục đích bảo vệ những gì bất hợp pháp mà Phán quyết Tòa trọng tài đã bác bỏ, hiện là một phần không thể thiếu của luật pháp quốc tế", ông Albert del Rosario nói. [1]

Dấu ấn ngoại giao năm 2018: Bản lĩnh Việt Nam được khẳng định
Ngày 3/1, Philstar dẫn lời ông Albert del Rosario cảnh báo, Bắc Kinh có thể lợi dụng COC để hợp pháp hóa hành động bất hợp pháp — bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa một số cấu trúc địa lý nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Nghị sĩ Philippines Gary Alejano bình luận trên Philstar:

"Việt Nam có lập trường mạnh mẽ chống lại một số đề xuất của Trung Quốc về COC, Philippines cần phải ủng hộ Việt Nam về việc này để ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc hòng giành quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông."

Nghị sĩ này cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ quan điểm của Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành vi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, trong khi vẫn duy trì quan hệ hợp tác tốt với Trung Quốc; 

Quyết "chọc tức" Trung Quốc, Anh toan tính gì khi lập căn cứ quân sự trên Biển Đông?
Việt Nam hợp tác với Trung Quốc nhưng không làm ảnh hưởng hay tổn hại đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, đây là điều chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte nên lưu ý. [2]

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu trên kênh tin tức ABS-CBN phát sóng đêm Giáng sinh, rằng tiếng nói thống nhất của các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông sẽ đủ mạnh để khiến Trung Quốc lắng nghe.

Vấn đề đặt ra đối với ASEAN hiện nay theo ông Delfin Lorenzana, là sự thiếu kiên quyết trong tuyên bố chống lại các yêu sách của Trung Quốc, đặc biệt là yêu sách "chủ quyền lịch sử" trái ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Ông đã nói thẳng điều này khi gặp Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa, và ASEAN cần đưa ra được một tuyên bố thống nhất, vững chắc. [3]

Còn theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 2/1, giới phân tích Trung Quốc tin rằng Philippines và Malaysia cũng sẽ thể hiện rõ quan điểm của mình về COC trong các cuộc đàm phán năm 2019;

Liệu Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông sẽ được ký vào năm 2019?
Mâu thuẫn chắc chắn sẽ xảy ra xung quanh đề xuất khác nhau của các bên, đó là lý do tại sao cần đàm phán đi tới một thỏa hiệp. Đã có 16 cuộc họp của các quan chức cấp cao, 26 cuộc họp cấp chuyên viên được tổ chức để bàn về COC.

Chen Xiangmao, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông mà Trung Quốc lập ra, có trụ sở tại đảo Hải Nam, nói rằng các cuộc đàm phán về COC trong năm 2019 sẽ tập trung vào các vấn đề cơ bản như phạm vi địa lý áp dụng COC cũng như việc bộ quy tắc này có tính ràng buộc chính trị hay pháp lý.

Liu Feng, một học giả khác ở Hải Nam, Trung Quốc, tin rằng Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách ngăn cản sự tham dự của các quốc gia "ngoài khu vực Biển Đông" vào tiến trình đàm phán COC, đặc biệt là Hoa Kỳ. [4]

Thảo luận