ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bình luận vấn đề cấm quay phim chụp hình khi tiếp dân

Ghi âm ghi hình là những chứng cứ khách quan, quan trọng để xem xét việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức cũng như của công dân, theo Pháp luật Plus.
Sputnik

Mới đây, trong quyết định về nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân vừa được ban hành, UBND TP Hà Nội cấm các hành vi quay phim, chụp ảnh khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân. Vấn đề này đã và đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận, đặc biệt là người dân TP Hà Nội.

Chỉ có những cán bộ nói một đằng, làm một nẻo mới sợ ghi âm, chụp hình

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có cán bộ làm sai mới sợ ghi âm ghi hình, còn làm đúng thì sao phải sợ? Hơn nữa ghi âm, ghi hình còn giám sát thái độ tuân thủ pháp luật của công dân khi tới trụ sở, cơ quan Nhà nước làm việc. Có ý kiến nêu, cấm ghi âm ghi hình là vi Hiến.

Để có câu trả lời dưới góc độ pháp lý, PV đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng để hiểu hơn vấn đề này.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng:

"Theo Hiến pháp thì không cấm ghi âm ghi hình, nhưng về trật tự quản lý của Nhà nước phải đảm bảo cho trật tự chung. Tối lấy ví dụ: Một người không thể lấy máy quay, máy điện thoại dí vào tận mặt người đang thực hiện tiếp công dân để ghi âm, ghi hình. Bởi nó gây bức xúc cho người bị quay và nhìn rất phản cảm.,. Tóm lại là không cấm quyền được ghi âm, ghi hình nhưng quyền đó phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật".

"Trong Điều 6 của điều cấm ghi rất rõ đó là được quyền ghi âm, ghi hình nhưng phải theo nội quy", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề của xã hội.

"Chủ tịch Hà Nội không có quyền quyết định việc ghi hình cán bộ tiếp dân phải xin phép”
Một người dân TP Hà Nội thì chia sẻ:

"Thực tế chúng tôi đã là người chứng kiến việc, một cán bộ khi tiếp công dân nói một đằng, đến khi trả lời văn bản ghi một nẻo, gây bức xúc cho chúng tôi. Nếu chúng tôi được phép ghi âm, ghi hình, chắc cán bộ này đã không dám làm như vậy".

Còn theo Luật sư Nguyễn Thị Oanh phân tích:

"Việc ghi âm, ghi hình không chỉ người dân mà phía cơ quan, bộ phận tiếp công dân cũng cần phải ghi âm, ghi hình lại. Bởi lẽ, khi có sự kiện pháp lý xảy ra, có những tình huống va chạm, dẫn đến tranh cãi, thiếu kiềm chế thì những chứng cứ ghi âm, ghi hình này là cần thiết để xử lý bất cứ bên nào (người tiếp công dân hoặc công dân) khi những người đó có hành vi vi phạm nội qui, vi phạm pháp luật, hoặc có hành vi mượn cớ gây rối…Mặt khác, cán bộ tiếp công dân là người đang thực thi nhiệm vụ và là công khai, việc ghi âm, ghi hình đều không ảnh hưởng tới danh dự hay các vấn đề nhạy cảm của cán bộ, vì thế cấm là phi lý và không cần thiết".

Thảo luận