Thông tin này được hãng thông tấn Kyodo — Nhật Bản đăng tải vào ngày 10/1/2019, dựa trên cuộc khảo sát của 630 doanh nghiệp trong nước.
Trong đó, Việt Nam được các doanh nghiệp của Nhật Bản lựa chọn là điểm đến đầu tư hấp nhất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đứng thứ 2 là Ấn Độ, thứ 3 là Trung Quốc, thứ 4 là Thái Lan.
Kyodo dẫn lời một quan chức tại Việt Nam cho biết khi các doanh nghiệp đã thiết lập cơ sở tại Việt Nam, họ có thể cân nhắc mở rộng hoạt động tại Campuchia, Lào và Myanmar.
Lý do các nhà đầu tư Nhật Bản không đánh giá cao thị trường Trung Quốc là do sự bất ổn ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại Mỹ — Trung.
Còn thị trường Ấn Độ đang mất cân bằng thu nhập nhưng sự gia tăng dân số của đất nước này vẫn đem đến một thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các nhà đầu tư.
Số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài — Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Vào giữa tháng 12/2018, tạp chí Forbes cũng đưa thông tin, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á.
Theo phân tích của Forbes, điểm mấu chốt trong câu chuyện tăng trưởng kinh tế Việt Nam là kế hoạch của chính phủ về "cổ phần hóa" hàng trăm doanh nghiệp nhà nước. Động thái này thu hút một loạt khoản đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là người tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế dân số trẻ, có học thức và đang nhanh chóng "đô thị hóa" với sức chi tiêu lớn chưa từng có. Do vậy, thật dễ hiểu khi các thương hiệu quốc tế như Apple, Starbucks và McDonalds đang "đặt cược lớn" vào thị trường Việt Nam, ngoài ra môi trường công nghệ của Việt Nam cũng đầy triển vọng phát triển.
Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018 gây cản trở lớn tới xuất khẩu của Trung Quốc. Hàng rào thuế quan Mỹ áp đặt lên 250 tỷ USD hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc được coi là một đòn đau giáng xuống các nhà máy sản xuất của Trung Quốc đang phục vụ người tiêu dùng Mỹ.
Bên cạnh căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc còn đang phải cạnh tranh với Việt Nam bởi đây là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào, chi phí rẻ hơn.