Vì saocó nhiềunhà đầutư TrungQuốc?
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi — Đại học Hoa Sen khẳng định, Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời.
Vấn đề lúc này chỉ là ai và lựa chọn ai để tham gia đầu tư vào lĩnh vực này? Vị PGS cho rằng, đây là câu hỏi mà buộc các nhà quản lý phải cân nhắc.
Theo thống kê, vùng Duyên hải miền Trung bao gồm từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang nở rộ các dự án điện mặt trời. Trong đó chủ yếu là sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhà đầu tư Trung Quốc lại đang chiếm ưu thế.
Điển hình như nhà thầu Power China Kuming Engineering Corporation Limited Consortium (Power China — một nhà thầu đến từ Trung Quốc), tham gia ở Gói thầu số 7 về thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (gói thầu EPC) thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 do Liên danh nhà thầu Sinohydro Corporation Limited — Power China Kuming Engineering Corporation Limited Consortium đảm nhận.
Power China cũng là nhà thầu thực hiện các gói thầu quan trọng của dự án điện tái tạo Hồng Phong 1, Hồng Phong 2 thuộc Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex).
Đây cũng chính là nhà thầu tham gia thực hiện Gói thầu DMS-8 về thiết kế, cung cấp, lắp đặt và thử nghiệm thiết bị quang điện thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi; tham gia thực hiện gói thầu tại Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 (Quảng Nam)…
"Cần phải phân tích để lý giải được vì sao lại nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực này như vậy? Việc các nhà đầu tư Trung Quốc thích thú với lĩnh vực này có vấn đề gì hay không?", PGS Nguyễn Văn Ngãi lưu ý.
Theo vị PGS, để trả lời cho câu hỏi trên phải đứng trên vai của người mang tiền đi đầu tư, khi đã bỏ tiền đầu tư họ không bao giờ muốn chịu lỗ.
"Vì thế, đứng về phía nhà đầu tư chúng ta không cần phải lo ngại dự án có mang lại hiệu quả không? Nhà đầu tư có được lợi hay không?. Bởi việc này nhà đầu tư tính toán tốt hơn chúng ta. Có thể họ làm vì mục đích kinh tế nhưng cũng có thể vì những mục đích khác nằm trong chiến lược phát triển lâu dài mà dự án chỉ là nền móng, tạo bước đệm cho sự phát triển của họ sau này. Nhất là đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nếu không hiệu quả, chắc chắn họ không làm. Việc nhìn trước các lợi thế, tiềm năng trong phát triển điện mặt trời không nằm ngoài những tính toán của các nhà đầu tư Trung Quốc. Họ đang đi trước, đón đầu xu thế là rất dễ hiểu", PGS Nguyễn Văn Ngãi phân tích.
Lo an ninh năng lượng quốc gia
PGS Nguyễn Văn Ngãi cho biết, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là xu hướng rất tốt, không gây lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, có một vấn đề Việt Nam cần phải lưu ý, trong trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời cũng có nghĩa về lâu dài sản phẩm điện tạo ra sẽ cùng hòa vào mạng lưới cung cấp điện của quốc gia.
"Tại Việt Nam cũng đã có chủ trương chỉ đạo, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới, đây chính là tiền đề để phát triển các dự án điện mặt trời. Như vậy, nguy cơ phụ thuộc về sản lượng điện mặt trời là rất có, khi các doanh nghiệp Trung Quốc tạo ra sản phẩm và bắt đầu bán cho lưới điện quốc gia. Vì thế, Việt Nam nên đa dạng hóa, cùng kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều nước khác nhau tham gia, không nên chỉ tập trung nguồn đầu tư vào một quốc gia để nắm thế chủ động", vị PGS nhắc nhở.
Vấn đề nữa, ông cũng cho biết, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc sản xuất quá nhiều tấm pin tích trữ năng lượng mặt trời và rất cần thị trường để tiêu thụ. Như vậy, khi triển khai các dự án tại Việt Nam, cũng là cơ hội để Trung Quốc có thể đẩy thiết bị, cung cấp những tấm pin mặt trời sang Việt Nam để kiếm lợi.
"Như đã nói, rất có thể đây là bước đi khởi đầu cho một chiến lược phát triển quy mô, bài bản của Trung Quốc trong phát triển năng lượng mặt trời", PGS Nguyễn Văn Ngãi nhận định.