Trung Quốc vừa công bố kế hoạch chi tiết 5 năm về mục tiêu phát triển kinh tế và tài chính giữa tỉnh Quảng Tây, phía nam nước này với các nước Đông Nam Á.
Nội các Trung Quốc đã đồng ý xây dựng tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới Việt Nam, thành cửa ngõ tài chính giữa ASEAN và Trung Quốc.
Mục tiêu trọng yếu trong kế hoạch này là thông qua hoạt động biên mậu, thanh toán xuyên biên giới, giao dịch ngoại tệ, đầu tư và tài trợ với các thành viên trong khối ASEAN, chính phủ Trung Quốc sẽ thúc đẩy đồng nhân dân tệ.
Đồng nhân dân tệ cũng được Bắc Kinh khuyến khích sử dụng trong giao dịch hàng hóa với ASEAN, hỗ trợ cho vay thông qua các dự án trong khu vực, tìm cách xây dựng thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài và thúc đẩy đầu tư tài chính xuyên biên giới.
Bàn về động thái này của Trung Quốc, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đây là nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh.
"Nhiều năm qua, Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới và đồng USD có khả năng thanh toán khắp thế giới, chiếm 80% lượng giao dịch thanh toán trên toàn cầu. Chính điều đó giúp nước Mỹ thu lợi lớn. Trung Quốc cũng muốn được như vậy và họ khuyến khích, tạo điều kiện để mở rộng thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài", TS Cao Sĩ Kiêm nói.
Để thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ trên thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng, theo vị chuyên gia, Trung Quốc sử dụng nhiều hình thức, thông qua buôn bán hàng hóa, hoạt động dịch vụ, thanh toán, đầu tư, hỗ trợ và đặc biệt là cho vay thông qua các dự án trong khu vực.
Điều vị nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lo ngại là các quốc gia Đông Nam Á có thể rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc trong quá trình Bắc Kinh sử dụng đồng nhân dân tệ làm "bà đỡ" cho ý đồ bành trướng về kinh tế của mình ở khu vực.
"Trung Quốc có nhiều cách để khiến các quốc gia rơi vào bẫy nợ. Chẳng hạn, Trung Quốc nhập thiết bị cũ nát, lạc hậu, không còn được họ sử dụng trong nước nữa vào quốc gia khác. Phía đối tác thấy rẻ vơ vào là lập tức dính bẫy bởi chất lượng máy móc, thiết bị kém, công nghệ lạc hậu sẽ tạo ra năng suất thấp, sức cạnh tranh không có.
Điều nguy hiểm là một khi đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, bị phụ thuộc vào họ thì không có cách nào rút ra được", TS Cao Sĩ Kiêm chỉ rõ.
Thực tế cho thấy, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc: vì không trả được nợ mà phải nhượng đất nhượng biển, hoặc làm theo những yêu cầu chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh.
Sri Lanka là một trường hợp điển hình. Vào cuối năm 2017, chính phủ Sri Lanka phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trên bờ Ấn Độ Dương 99 năm để cấn trừ bớt khoản nợ mà nước này đã vay để phát triển khu vực hẻo lánh này.
"Trung Quốc khuyến khích là việc của họ, còn Việt Nam mở rộng, tiếp thu đến mức độ nào là việc của ta. Tất nhiên Việt Nam phải tỉnh táo, chọn lọc để khai thác được tốt nhất những mặt tích cực mà việc làm của họ đem lại, đồng thời hạn chế những rủi ro.
Muốn vậy, trước tiên Việt Nam phải đảm bảo xuất-nhập khẩu không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đó cải thiện cán cân thanh toán. Nhập cái gì, xuất cái gì, lợi hại thế nào…, tất cả đều phải được tính toán kỹ càng.
Bên cạnh đó, Việt Nam không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu, thị trường của Trung Quốc một cách cứng nhắc", TS Cao Sĩ Kiêm nói.
Dù khẳng định "bẫy nợ là việc của Trung Quốc, tránh bẫy là việc của ta" nhưng nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận đây là một việc rất khó khăn.