Thủ tướng Abe nhận được sự đón chào nồng hậu tại Davos bởi ông là nhà lãnh đạo đầu tiên cất tiếng nói bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa, trong khi Tổng thống Trump đang theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", và trong bối cảnh có nhiều thay đổi với các thể chế toàn cầu.
Trong bài phát biểu của mình tại WEF, ông Abe đã kêu gọi thúc đẩy thương mại tự do, thúc giục các nước có hành động ngăn chặn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ. Trước đó, Tổng thống Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu tại sự kiện này, nhưng sau đó tuyên bố hủy do Chính phủ Mỹ đang phải đóng cửa một phần.
Trong bài phát biểu, lãnh đạo Nhật Bản nói rằng thế giới cần đặt mục tiêu không còn khí thải carbon dioxide vào "khoảng năm 2050" và thể hiện sự lạc quan rằng các công nghệ mới — như công nghệ thu carbon — sẽ tiến bộ nhanh chóng để giúp cho cuộc cách mạng xanh trở thành hiện thực, mang lại lợi ích cho nền kinh tế thế giới.
"Chi tiền để tạo nên một Trái đất xanh và giúp đại dương xanh hơn giờ chính là động lực tăng trưởng" — ông Abe nói — "Chúng ta cần phải tìm kiếm thêm những ý tưởng sáng tạo trước khi quá muộn".
Trước đó, Tổng thống Trump đã rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu — thỏa thuận quốc tế lớn nhất nhằm mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu — và từng nói trong năm 2017 rằng: "Tôi được lựa chọn là để đại diện cho người dân của Pittsburgh, chứ không phải Paris".
Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ các nước tham dự WEF năm nay thể hiện sự phẫn nộ trước chính sách áp thuế của chính quyền Washington, và đã kêu gọi Tổng thống Mỹ ngừng cuộc chiến thương mại. Thủ tướng Abe nói rằng bất đồng thương mại Mỹ — Trung là một "rủi ro" với nền kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo Nhật không nhắc tới tên ông Trump, nhưng rõ ràng có ám chỉ đến ông khi nói rằng: "Nhật quyết tâm bảo vệ và cam kết thúc đẩy thương mại tự do mở cửa và các quy định dựa trên trật tự quốc tế".
Trong bài phát biểu của minh, Thủ tướng Abe hoan nghênh 2 thỏa thuận thương mại toàn cầu lớn mà Nhật Bản là một bên ký kết, trong khi Mỹ thì không. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây từng đạt được, gỡ bỏ rào cản cho 11 quốc gia thành viên. Mỹ ban đầu là "kiến trúc sư" của TPP, nhưng sau đó ông Trump đã rút nước này khỏi thỏa thuận trên.
Tổng thống Trump nêu quan điểm muốn có các thỏa thuận song phương hơn là các thỏa thuận đa phương, và hiện đang nỗ lực đạt các thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản, châu Âu, Anh và Trung Quốc.
Nhưng ông Abe lại nêu rõ rằng, thế giới đang hướng tới quan hệ thương mại mà không cần ông Trump.
"Tôi rất tự hào khi được đưa ra một tuyên bố khác" — ông Abe nói — "Vào ngày 1/2 tới đây, quan hệ đối tác kinh tế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sẽ chính thức có hiệu lực".
Trong một đòn công kích ngầm tới ông Trump và các lãnh đạo Mỹ trước đó, Thủ tướng Abe đã hoan nghênh một thực tế rằng, Nhật Bản đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc đưa phụ nữ vào lực lượng lao động của nước này, "cùng lúc giảm gánh nặng cho phụ nữ".
Kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Abe đã tuyên bố rằng có 2 triệu phụ nữ nước này giờ gia nhập lực lượng lao động. "Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động giờ đã đạt 67%, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay đối với Nhật Bản, và cao hơn cả nước Mỹ" — Thủ tướng Abe nói trong bài phát biểu tại WEF.
Ở Mỹ, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động chỉ là hơn 57% — theo Bộ Lao động nước này. Mỹ trước kia từng là nước dẫn đầu trong tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động, nhưng giờ lại bị tụt lại phía sau so với nhiều nền kinh tế phát triển. Nhiều nhà kinh tế học nói rằng, thực tế ở Mỹ cho thấy phụ nữ bị giảm khả năng tìm kiếm và giữ công việc của mình lúc mang thai hay sinh con.
Trong bài phát biểu của mình, ông Abe cũng nêu bật đà tăng trưởng ấn tượng của Nhật Bản trong những năm gần đây, dù hiện tại bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
"Hy vọng chính là yếu tố quan trọng nhất đối với đà tăng trưởng" — ông Abe nói.