Chất lượng không khí tệ nhất trong năm
Vào 15h30 chiều qua 27/1, chất lượng không khí ở 10 điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều ở màu cam (mức kém) và màu đỏ (mức xấu). Theo bảng quy đổi giá trị AQI (chỉ số đại diện chất lượng không khí), chỉ số không khí được chia làm 5 nhóm tương đương với 5 màu.
Trong đó, với chỉ số AQI từ 100-200 (màu cam), chất lượng không khí xếp loại kém, những người nhạy cảm như hen suyễn, bệnh phổi, tim mạch cần hạn chế ra ngoài, chỉ số AQI từ 201-300 (màu đỏ), chất lượng không khí xấu, tất cả mọi người nên hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 301 (màu nâu) trở lên, chất lượng không khí xếp loại nguy hại. Với mức ô nhiễm này, mọi người nên ở trong nhà.
Vào chiều 27/1, nhiều nơi ghi nhận chỉ số AQI rất cao như điểm đo Phạm Văn Đồng lên tới 240 (xếp loại xấu, mức nguy hiểm thứ 2 trong bảng chỉ số), điểm đo Hàng Đậu là 238 (xếp loại xấu), điểm đo ở Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội là 222, điểm đo ở Tân Mai, chỉ số chất lượng không khí là 201, cùng ở mức xấu. Sáu điểm đo khác, chất lượng không khí cũng tiệm cận mức xấu. Nơi có chất lượng không khí đo được tốt nhất là điểm đo Tây Mỗ (huyện Nam Từ Liêm), chỉ số AQI cũng lên đến 177, mức kém.
Đáng lưu ý, trước đó vào ngày 25/1/2019, nhiều điểm đo ở Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI của bụi PM 2.5 (loại bụi được coi là tử thần trong không khí, thường được chọn làm đại diện để tính chỉ số chất lượng không khí) lên ngưỡng nguy hại. Điểm đo Phạm Văn Đồng đo được chỉ số AQI PM 2.5 lên tới 400, một chỉ số mà theo đánh giá của giới chuyên gia là hiếm khi lên tới. Điểm đo Mỹ Đình, chỉ số AQI PM 2.5 cũng lên tới hơn 300, điểm đo tại Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng lên tới 400. Ở một số điểm đo khác, chỉ số bụi AQI PM 2.5 cũng tiệm cận mức nguy hại.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 lên cao như vậy là một điều rất đáng ngại. Bụi PM 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét — PV).
Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.
Lý giải về việc chất lượng không khí Hà Nội xấu đi đột ngột, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, có thể có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do lượng người tham gia giao thông tăng cao trong dịp cận Tết, thứ nữa có thể do hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra. Đây là hiện tượng chỉ xảy ra trong mùa đông, có khả năng làm chất lượng không khí xấu đột ngột. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (trái với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao.
Vì vậy, các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Quá trình này làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao khiến môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề. Những ngày qua, các yếu tố thời tiết như hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm có thể tạo điều kiện cho hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra khiến chất lượng không khí xấu đi như vậy, TS Tùng chia sẻ. Ông khuyên người dân nên theo dõi thường xuyên chất lượng không khí qua Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội (hanoi.gov.vn) hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường hay Đại sứ quán Mỹ.
Lý giải về việc chất lượng không khí Hà Nội xấu đi đột ngột, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, có thể có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do lượng người tham gia giao thông tăng cao trong dịp cận Tết, thứ nữa có thể do hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra. Đây là hiện tượng chỉ xảy ra trong mùa đông, có khả năng làm chất lượng không khí xấu đột ngột. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (trái với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao.