Theo báo QĐND trích từ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Tính đến đầu năm 1968, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 tên và 68.800 quân của các nước đồng minh. Nếu kể cả khoảng hơn 20 vạn quân đóng ở các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Hạm đội 7, một bộ phận Hạm đội 6, đã có tới 80 vạn quân Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam, cùng một lực lượng hùng hậu quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Lực lượng quân số đông đảo, cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh tối tân nhất thời đại, lính Mỹ liên tục tổ chức các cuộc hành quân "tìm diệt" trên khắp chiến trường miền Nam, mà đỉnh điểm là hai cuộc tiến công quy mô lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966- 1967, nhưng quân xâm lược Mỹ không đạt được mục đích đề ra. Chỉ trong vòng 2 năm (1965 — 1967), lực lượng bị suy yếu rõ rệt, Mỹ từ thế chiến lược phản công và tiến công giữa năm 1965, buộc phải lùi dần vào thế phòng ngự chiến lược bị động vào cuối năm 1967 trên toàn chiến trường.
Đối với ta, tuy giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của cách mạng đã có bước phát triển mới, nhưng chưa làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng. Từ thực tế trên chiến trường, kết hợp với tình hình trong nước và quốc tế, cuối năm 1967, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân đội ta đã nắm lấy cơ hội này, quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới. Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh vào thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân ủy Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn — Gia Định, Huế, Đà Nẵng, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 — Khe Sanh.
Cụ thể là: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 — Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn — Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn — Gia Định, Huế, Đà Nẵng và các thành phố lớn.
Đúng lúc địch đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh, thì đêm 30 và 31-1-1968 — đêm giao thừa và mồng Một Tết Mậu Thân, lợi dụng địch sơ hở ở đô thị, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ — Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.
Tại Sài Gòn — Chợ Lớn, là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ — Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Ta tiến công Toà đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát; các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Hàng chục vạn quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố. Riêng trận đánh Toà Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.
Tại Huế, thành phố lớn thứ 3 miền Nam, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm. Phối hợp với chủ lực, quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng trận địa phòng thủ… Địch sau đó phản kích dữ dội. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25-2, quân ta rút khỏi Huế để bảo toàn lực lượng. Như vậy, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm. Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.
Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, nhiều người hiểu Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta chỉ có ở Tết Mậu Thân, nhưng trên thực tế đây được xem như đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968, tạo thành tổng thể cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Kết quả một năm tổng tiến công và nổi dậy, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, Việt Nam Cộng hòa và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong các giai đoạn tiếp theo.