Tiến lên Việt Nam: Toàn thắng ắt về ta!

© Sputnik / RIA Novosti / Chuyển đến kho ảnhSài Gòn
Sài Gòn - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cách đây tròn 50 năm, vào phút Giao thừa thiêng liêng của Tết cổ truyền dân tộc - Xuân Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Lời thơ chúc Tết của Bác chính là mệnh lệnh tiến công. Đêm 30-1-1968, quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công vào 4 trên 6 thành phố, 37 trên 42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ trên khắp miền Nam. Tại Sài Gòn, những mục tiêu mà địch cho là bất khả xâm phạm như tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu ngụy đã bị ta đánh phủ đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam
Mậu thân 1968: Lời chúc Tết của Bác Hồ trên làn sóng phát thanh

Nhiều mục tiêu quan trọng khác như: 4 Bộ Tư lệnh Quân đoàn, 8 Bộ Tư lệnh Sư — Lữ đoàn Mỹ, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần — kỹ thuật của địch đều bị đánh thiệt hại nặng. Quân và dân ta đã giải phóng hàng ngàn thôn — ấp với hơn 1,2 triệu dân. Chiến thắng vang dội đó đã làm đảo lộn chiến lược quân sự của Mỹ. Trước tình thế đó, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; cử đại diện đàm phán với ta ở Paris; từ bỏ chiến lược "tiêu diệt" và "bình định" chuyển sang "phi Mỹ hóa chiến tranh".

Trở lại với thời gian và sự kiện để thấy tầm vóc, ý nghĩa lịch sử lớn lao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Vào những năm cuối thập niên 60, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi có lợi cho cách mạng miền Nam. Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch mùa khô 1966 — 1967, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn liều lĩnh quyết định đưa thêm 10 vạn quân Mỹ vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

chiến tranh ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Việt Nam đã gây chấn động nước Mỹ như thế nào?
Như vậy, đến đầu năm 1968, số quân chiến đấu của Mỹ ở miền Nam đã vượt quá nửa triệu tên. Con số này chưa kể đến sự yểm trợ của trên 20 vạn quân Mỹ có mặt ở Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Guam, Hạm đội 7, cùng với gần 60 vạn ngụy quân Sài Gòn và gần 7 vạn quân các nước đồng minh của Mỹ. Một lực lượng chiến đấu hùng hậu, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Với lực lượng này, Tổng thống Mỹ Johnson hy vọng có thế làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho Mỹ, nhưng chúng đã nhầm nước cờ chính trị, quân sự.

Bước ngoặt quan trọng, dẫn tới thắng lợi mùa Xuân 1968 thực sự bắt đầu từ sau chiến thắng mùa khô 1966-1967. Ta đã đánh bại cuộc phản công lần thứ hai, gồm những chiến dịch lớn đầy tham vọng với trên 40 vạn quân viễn chinh Mỹ ở chiến trường miền Nam và đánh bại các bước leo thang chiến tranh mới bằng Không quân và Hải quân Mỹ trên miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, để phân tích tình hình, phát hiện sự lúng túng, sai lầm của Mỹ trên chiến trường miền Nam, đề ra chủ trương chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ phát triển lên một bước mới.

© Ảnh : TTXVNQuân giải phóng tiến công sân bay Tân Sơn Nhất, Xuân Mậu Thân 1968.
Quân giải phóng tiến công sân bay Tân Sơn Nhất, Xuân Mậu Thân 1968. - Sputnik Việt Nam
Quân giải phóng tiến công sân bay Tân Sơn Nhất, Xuân Mậu Thân 1968.

Xe buýt chở đội U23 Việt Nam kẹt giữa biển người ở cầu Nhật Tân - Sputnik Việt Nam
Dưới bóng cờ dân tộc: Làm thế nào để Việt Nam phát triển?
Tiếp đó, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 1-1968) thông qua quyết tâm, kế hoạch mở cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Nghị quyết 14/TU Đảng xác định:

"Quyết tâm tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự ở Việt Nam, trên cơ sở đó đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc".

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, "Chuyển hướng chiến lược tiến công từ rừng núi, đồng bằng vào các đô thị", bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy  Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng của địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của địch trên quy mô toàn miền Nam, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh Việt Nam.

Năm tháng đi qua, song, chiến thắng lịch sử Xuân Mậu Thân 1968 đã khắc sâu vào lịch sử dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất diệt. Chiến thắng đó đã làm rung chuyển nước Mỹ, làm cho  phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ lên cao. Sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Mỹ ngày càng thêm sâu sắc. Trong tình thế đó, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận nhượng bộ để có thể chấm dứt chiến tranh trong danh dự.

Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây không chỉ là bước nhượng bộ rất lớn của Mỹ trong cuộc chiến, mà còn là sự thất bại của đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử có tầm vóc vô cùng to lớn, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược quyết định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi đó chứng tỏ quân và dân miền Nam chẳng những có thể đứng vững chắc ở rừng núi, nông thôn, đồng bằng, mà còn có khả năng đưa chiến tranh vào tận sào huyệt, cơ quan đầu não quan trọng nhất của Mỹ — ngụy ở những đô thị lớn. Bằng cách chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh táo bạo đã tạo ra một bước ngoặt lớn, làm thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta, đưa chiến tranh cách mạng miền Nam chuyển sang một thời kỳ mới — thời kỳ chủ động tiến công giành thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến.  

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là khát vọng "không có gì quý hơn độc lập, tự do"; là niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược đấu tranh cách mạng; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của dân tộc ta.

50 năm đã qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang vọng cùng non sông, đất nước. Đó là khát vọng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, là niềm tin tuyệt đối vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, là tính tự chủ, sáng tạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược phát triển kinh tế — xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế — xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Nguồn: Báo Biên Phòng

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала