Sputnik yêu cầu các chuyên gia giải thích tại sao rượu dễ gây nghiện và loại rượu nào là nguy hiểm nhất.
Ngay từ ngụm uống đầu tiên
"Theo nghiên cứu của nhà khoa học nổi tiếng người Anh,Giáo sư David Nutt về những chất gây nghiện nguy hiểm nhất, rượu bia đứng thứ 5 vì nhiều tác hại đến sức khỏe. Chỉ có heroin, crack và cocaine là nguy hiểm hơn về mặt này. Thuốc lá cũng có trong danh sách này. Việc lạm dụng đồ uống có cồn là nguyên nhân khiến mấy triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm, cao hơn số ca tử vong do các loại ma túy", — bác sĩ chuyên ngành điều trị nghiện ma túy, Giáo sư Vladimir Mendelevich từ Trường Đại học tổng hợp Y đa khoa Kazan, nói với Sputnik.
Các thí nghiệm trên chuột gần đây nhất cho thấy rằng, việc uống rượu có thể trở nên tệ hại rất nhanh — ngay từ ngụm uống đầu tiên. Các nhà thần kinh học từ Đại học California ở San Francisco đã thực hiện cuộc thí nghiệm trong 1 ngày với hai nhóm động vật gặm nhấm: nhóm thứ nhất đã uống nước với 20% cồn, và nhóm thứ hai chỉ uống nước sạch. Ngay vào ngày hôm sau, các nhà khoa học đã phát hiện tất cả các dấu hiệu nghiện rượu ở những động vật uống nước chứa cồn và ghi nhận trong não của chúng tăng hoạt động của thụ thể dopamine D1, nhạy cảm với hormone dopamine khoái cảm.
Ma túy cũng tác động tương tự lên não của các động vật sau lần sử dụng đầu tiên thuốc phiện và cannabinoids.
Theo Giáo sư Mendelevich, để con người mắc chứng nghiện rượu phải có cả yếu tố bên ngoài — tần suất sử dụng và yếu tố bên trong — do di truyền. Ngoài ra, tệ nghiện thường xảy ra với những người dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo.
"Đây là những đặc điểm như chủ nghĩa infantilism của những người thấy cuộc đời mình nhàm chán, vô vị", — chuyên gia nói.
Hương vị bia là một chất gây nghiện
Bia tác động mạnh nhất đến hệ thống dopaminergic của não — hệ thống ban thưởng nội tại cho não. Hương vị bia giải phóng hormone dopamine trong cơ thể bất kể lượng cồn trong thức uống là bao nhiêu, các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Indiana đã xác định.
Các nhà khoa học đã thực hiện cuộc thí nghiệm với sự tham gia của 49 tình nguyện viên: một nhóm đã uống bia và nhóm thứ hai — một đồ uống có cả caffeine và cồn. Sau khi quét não của các đối tượng, các nhà khoa học đã thấy rằng, hương vị bia, bất kể nồng độ cồn nào, giải phóng lượng dopamine lớn hơn đồ uống có cả caffeine và cồn. Các tình nguyện viên có người nghiện trong gia đình đã phản ứng mạnh nhất.
Vodka tác động đến não
Khoảng một nửa dân số loài người có những biến thể của gen chịu trách nhiệm về tệ nghiện rượu bia. Kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho thấy rằng, những gen này cũng có liên quan đến cảm giác thèm đồ ngọt. Ví dụ, nếu đồng thụ thể β-Kloto không hoạt động ở người mang một biến thể đặc biệt của gen FGF21 trong hệ thần kinh trung ương, thì nhiều khả năng người này không chỉ nghiện rượu, mà còn bị rối loạn ăn uống.
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã xác nhận điều đó. Vào đầu năm ngoái, hai chục con chuột thí nghiệm đã dùng rượu pha loãng trong vòng mấy ngày. Các động vật đã nhận được dung dịch cồn ethyl bằng cách bấm nút trong lồng. Sau vài ngày uống rượu liên tục, các con chuột đã được đề nghị thực hiện sự lựa chọn: dung dịch rượu hoặc nước có hàm lượng saccharin cao.
Hầu hết các con chuột thích nước ngọt hơn, nhưng, có cả 10-12% con tiếp tục uống rượu. Hóa ra, trong các tế bào não tạo ra các cảm xúc vui sướng và vị giác của các động vật thích cồn, gen hoạt động theo cách khác. Cụ thể, hoạt động của các vị trí DNA liên quan đến các chuỗi tế bào thần kinh ức chế và loại bỏ các phân tử axit gamma-aminobutyric (GABA) là bộ phận chính điều chỉnh hoạt động của hệ thống thần kinh, đã giảm mạnh.
Gen GAT-3 quản lý hoạt động này. Hóa ra, rượu ngăn chặn hoạt động bình thường của gen này, dẫn đến sự hình thành các chuỗi thần kinh liên kết hương vị của rượu bia với các trung tâm khoái cảm. Kết quả là, các động vật nghiện rượu có cảm giác rượu là ngon hơn và bổ dưỡng hơn so với nước ngọt có hàm lượng saccharin cao.
Đồ uống có cả caffeine và cồn là rất nguy hiểm
Những đồ uống chứa cồn với hàm lượng caffeine cao làm thay đổi não. Ở Nga các đồ uống này đều bị cấm bán kể từ năm ngoái.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Purdue đã phát hiện ra rằng, các đồ uống chứa cả caffeine và cồn có tác động giống như cocaine, kết quả là cùng với thời gian gây ra những tác hại nghiêm trọng về sức khoẻ.
Các nhà khoa học đã cho các con chuột uống nước không chứa cồn và nước chứa cồn. Trong não của các động vật trẻ nhận được caffeine liều cao cùng với cồn đã diễn ra những thay đổi tương tự như ở những con chuột dùng ma túy. Ví dụ, mức protein ΔFosB tăng lên. Nếu động vật chỉ sử dụng caffeine hoặc chỉ sử dụng cồn thì không có những thay đổi như vậy.
Khi trưởng thành, các con chuột đã nếm thử đồ uống có cồn từ khi còn nhỏ, ít nhạy cảm với cocaine. Vì vậy, để có cảm giác hưng phấn, chúng cần lượng ma túy lớn hơn so với các con chuột trong nhóm kiểm soát thứ hai không được cho uống nước chứa rượu từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, như các bác sĩ điều trị cai nghiện lưu ý, một người có thể mắc chứng nghiện rượu bất kể anh ta uống gì.
Theo phân loại quốc tế về rối loạn tâm thần và hành vi, chứng nghiện rượu được ghi nhận ở những người với triệu chứng cai nghiện, gia tăng khả năng chịu đựng — ý muốn tăng lượng cồn, v.v. Còn chất lượng và khối lượng rượu bia không phải là tiêu chuẩn chẩn đoán. Trong nền khoa học hiện đại không có bảng xếp hạng các đồ uống chứa cồn theo mức độ dễ gây nghiện", — ông Vladimir Mendelevich nói.
Theo WHO, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn.
Đây là lý do tại sao không uống rượu bia là tốt nhất.