Hôm 9.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên trang twitter cá nhân: cuộc họp thượng đỉnh lần 2 giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27 và 28.2. Trước đó đã có những lời đồn đoán về danh sách các địa điểm được lựa chọn gồm: Mông Cổ, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Hawaii. 3 ngày trước, trong bài Thông điệp liên bang phát biểu tại quốc hội Mỹ, ông đã công bố quốc gia được chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp gỡ được cả thế giới quan tâm này là Việt Nam.
Trang web Los Angeles Times ngày 8.2 viết, một số chuyên gia cho rằng, lựa chọn thủ đô Hà Nội của Việt Nam làm địa điểm diễn ra cuộc gặp vừa có ý nghĩa thực tế lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng bởi các lý do sau:
Thứ nhất, về vị trí địa lý. Hà Nội chỉ cách Bình Nhưỡng 1.700 dặm Anh hay 2.700km, còn gần hơn từ Chicago tới Los Angeles. Điều đó có nghĩa là chặng bay của chuyên cơ của ông Kim Jong Un còn ngắn hơn cả lần gặp gỡ trước đây tại Singapore; khi đó ông đã phải sử dụng nhờ máy bay của Trung Quốc.
Thứ hai, về đảm bảo an ninh. Bay từ Triều Tiên tới Việt Nam, chuyên cơ của ông Kim Jong Un chỉ bay qua không vực của Trung Quốc; điều này khiến ông Kim Jong Un cảm thấy an toàn hơn là di chuyển tới các địa điểm khác.
Thứ ba, lập trường trung lập của Việt Nam. Hai nước Mỹ và Việt Nam đã trải qua giai đoạn lịch sử chiến tranh đẫm máu, nhưng hiện nay quan hệ hai bên đã được cải thiện rất lớn, đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó về kinh tế và quân sự. Quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên thì càng lâu đời hơn, hai nước đã lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Ông Joshua Kurlantzick, nghiên cứu viên cao cấp về vấn đề Đông Nam Á của Hội ngoại giao Hoa Kỳ nói: "Các địa điểm khác có được sự tín nhiệm của cả Mỹ và Triều Tiên không có nhiều".
Thứ tư, Việt Nam là nguồn linh cảm về kinh tế. Lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh việc tổ chức cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ — Triều tại nước mình, cho rằng đây là cơ hội để tuyên truyền về Việt Nam trước vũ đài thế giới. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nói, Việt Nam có thể chứng minh về "tính khả năng của hòa bình và phồn vinh". Chính phủ của ông Donald Trump hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên coi Việt Nam là một mô thức tăng trưởng kinh tế.
"Bạn có thể thấy sự thay đổi về phương thức tư duy của người lãnh đạo Việt Nam; điều này rất có ích đối với ông Kim Jong Un. Trước đây, không ai căm thù nước Mỹ như người Việt Nam; hiện nay chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn".
Hãng tin Pháp AFP ngày 7.2 cũng đăng bài phân tích, cho rằng: Việt Nam từng giống như Triều Tiên, đã sa vào cuộc chiến tranh ác liệt, đẫm máu với Mỹ; nhưng thời thế thay đổi, Việt Nam hiện nay là đối tác gần gũi với Mỹ và cũng là thực thể kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở châu Á. Nguyên nhân hai nước Mỹ, Triều lựa chọn Việt Nam làm nơi gặp gỡ ngoài việc có khoảng cách thích hợp, mà còn có lợi cho cả 3 nước Mỹ, Triều Tiên và Việt Nam:
Theo AFP, trước hết, khoảng cách bay từ Triều Tiên tới Việt Nam không quá xa, khá thuận tiện đối với ông Kim Jong Un. Ngoài ra, Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp đối với cả hai bên Mỹ, Triều Tiên, lập trường khá "trung lập", rất thích hợp cho việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Hơn nữa, việc đảm bảo an ninh ở Việt Nam rất chặt chẽ. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần này được cả thế giới chú ý, tin rằng chính quyền Việt Nam có thể thận trọng kiểm soát được giới truyền thông tới tham dự và cả công chúng.
Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Ông Cheon Seong Whun, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu chính sách Seoul, Hàn Quốc cho rằng, hiện nay Mỹ — Trung đang xảy ra cuộc chiến mậu dịch, Donald Trump có thể nhân đây truyền tới Bắc Kinh thông điệp rằng: Triều Tiên không chịu sự khống chế của Trung Quốc, Mỹ có năng lực chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
AFP cũng cho rằng, Việt Nam mấy năm gần đây đang nỗ lực thể hiện thực lực ngoại giao của mình trên vũ đài quốc tế; đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á — Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 và Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN 2018 (WEF-ASEAN 2018) tại Hà Nội. Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương cho rằng việc Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ Donald Trump — Kim Jong Un sẽ giúp "nâng cao địa vị quốc tế của Việt Nam, giúp thúc đẩy phát triển ngành du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài".
Trong khi đó, tờ DongA Ilbo của Hàn Quốc ngày 9.2 lại đưa tin, "Tuyên bố kết thúc chiến tranh" có thể được đặt trên bàn đàm phán. Bình Nhưỡng luôn mong muốn chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên từ 1950 — 1953; phía Mỹ cũng nhiều lần để lộ những tín hiệu tích cực. Ông Steve Biegun, Đặc sứ về chính sách Triều Tiên của chính phủ Mỹ hôm 31.1 khi diễn thuyết tại Đại học Stanford đã nói:
"Tổng thống Donald Trump đã chuẩn bị đầy đủ cho việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên" gây xôn xao, sau đó chính phủ Mỹ cũng không lên tiếng phủ nhận thông tin này.
Báo này cho biết, một nhân sĩ ngoại giao đã nói:
"Như là một biện pháp kích thích đàm phán vấn đề phi hạt nhân hóa đạt thực chất, đã xuất hiện không khí Mỹ — Triều tập trung thảo luận tuyên bố kết thúc chiến tranh. Hiện nay đang có khuynh hướng thông qua phương thức ký kết hiệp định tại Việt Nam, khiến việc tuyên bố kết thúc chiến tranh đang dần trở thành hiện thực".