Tướng Lê Mã Lương: Việt Nam dạy cho Trung Quốc 1 bài học trong chiến tranh biên giới 1979

Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là cuộc chiến chính nghĩa. Chúng ta đã chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược Trung Quốc, Trí Thức Trẻ dẫn lời cho biết.
Sputnik

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự VN — người từng lăn lộn, chiến đấu tại những cứ điểm ác liệt nhất ở khu vực biên giới phía Bắc trong 8 năm (1979 — 1987) không giấu được xúc động khi nhắc đến những dấu mốc không thể lãng quên.

Chiến tranh biên giới 1979: Sự chính nghĩa của Việt Nam trước Trung Quốc xâm lược

Ông khẳng định đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân và dân ta đã chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược. Chúng ta cần tự hào về điều đó và cần nhắc nhớ cho các thế hệ hiện tại, mai sau về giai đoạn lịch sử này.

Một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của dân tộc ta

-Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã lùi xa 40 năm, ông đánh giá thế nào về cuộc chiến này trong dòng lịch sử của dân tộc?

-Thiếu tướng Lê Mã Lương: Về bản chất, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược mà đối phương đã có ý đồ từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhằm đưa các nước Đông Nam Á vào trong quỹ đạo của Trung Quốc.

Việt Nam là nước có vị trí chiến lược, địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á. Nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ muốn nắm Việt Nam, khống chế bán đảo Đông Dương, tạo hành lang xâm nhập Đông Nam Á.

Mô phỏng hình vẽ "Sơ đồ cuộc tiến công xâm lược của quân Trung Quốc (ngày 17-2)", đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân số 6348, ra ngày 18-2-1979.

Do đó, từ mờ sáng 17/2 đến 5/3/1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, mở cuộc tấn công quy mô lớn gồm nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu).

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Không thể quên!
Quân Trung Quốc tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới, giết hại nhiều dân thường vô tội, như các vụ thảm sát kinh hoàng ở Kim Quang (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hay giết hại 43 người dân (phần lớn là phụ nữ, trẻ em) rồi vứt xác xuống giếng ở thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).

Ngày 5/3/1979, gần 20 ngày sau khi tấn công xâm lược Việt Nam, quân Trung Quốc chỉ tiến sâu được 10 km, đồng thời lực lượng bị tổn thất lớn, có nguy cơ sa lầy vào cuộc chiến này.

Mặt khác, trước sức ép của dư luận trong nước và thế giới, đặc biệt là việc Liên Xô (cũ) đưa lượng lớn binh sĩ, hỏa lực, áp sát biên giới Trung — Xô, đã buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải tuyên bố rút quân, chấp nhận thất bại cay đắng tại chiến tranh biên giới.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc tiếp tục kéo dài ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Hà Giang trong 10 năm sau đó (1979 — 1989), mà đặc biệt ác liệt ở Vị Xuyên — những năm 1984 — 1986.

Rõ ràng, đây là cuộc chiến xâm lược thực sự, không đơn thuần như cách gọi "dằn mặt", "đòn cảnh cáo", "dạy bài học" mà Trung Quốc từng đưa ra.

"Bóp chết" Việt Nam: Tướng Trung Quốc ngông cuồng "chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần"
Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vệ quốc 1979 — kéo dài 10 năm sau đó, không phải một cuộc chiến quá dài, nhưng cũng không ngắn so với những gì chúng ta trải qua trước đó. Đây có thể coi như một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của dân tộc ta.

Một đội quân trang bị yếu kém, ô hợp, hôi của

-Là người trực tiếp cầm súng, chỉ huy chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979 và 10 năm sau đó, ông đánh giá thế nào về quân Trung Quốc thời điểm đó?

-Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trong khoảng 20 ngày của năm 1979, Trung Quốc đã huy động một lực lượng rất đông, lên tới 600.000 quân xâm lược Việt Nam.

Trước "chiến dịch biển người" như vậy, chưa bao giờ người lính chúng tôi lo lắng, sợ hãi. Khi bước vào chiến đấu thực tế với quân Trung Quốc, bản thân tôi mới thấy được nhiều điều bất ngờ. Bất ngờ bởi đến năm 1979, trang bị cho quân đội Trung Quốc lại yếu kém, ô hợp và hôi của như thế.

Mỗi người lính chỉ được trang bị một khẩu súng trường mà trong đó nhiều khẩu là loại từng xuất hiện trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được những vị trí, những đường phố của ta, thì phía sau là đội quân dân binh rất đông — vừa đảm bảo sức chiến đấu quân Trung Quốc, nhưng là đội quân ô hợp hôi của. Họ vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được. 

Trong lịch sử, tôi chưa từng thấy quân đội của một nước lớn nào phát động chiến tranh lại đưa dân binh đi để vơ vét của cải như thế.

Chiến tranh biên giới Việt-Trung: Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù
Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và lội xuống các ao của dân bên đường để bắt cá, nếu không dùng được thì cho bộc phá giật nổ. Hành động của quân Trung Quốc khiến tôi liên tưởng đến năm 1945, khi quân Tưởng sang Việt Nam đi giải giáp quân đội Nhật.

Một điển hình cho việc đập phá — là khi tôi lên thư viện Lào Cai — nằm trên một sườn núi. Khi đó, quân Trung Quốc vào thư viện lấy sách ra xé và quẳng trắng xóa phía trước, rải dưới chân đồi.

Nhìn cảnh tượng ấy, tôi cảm nhận những kẻ đó hèn hạ, vô học đến mức nào.

Trong cuộc chiến, chưa có trận đánh nào mà quân Trung Quốc làm tê liệt nổi một đại đội của Việt Nam. Trong khi đó, bộ đội ta tổ chức những trận đánh và tiêu diệt gọn một đại đội của quân Trung Quốc.

Thiếu tướng Lê Mã Lương

Suốt tháng 2, đầu tháng 3/1979, mặc dù quân Trung Quốc đã phá hủy 5 thị xã, thị trấn: Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phong Thổ, Lào Cai nhưng các đơn vị biên phòng, lực lượng tự vệ, sư đoàn làm kinh tế, cùng 2 sư đoàn chiến đấu tinh nhuệ của ta (Sư đoàn 3 và 316) đã chặn đứng những bước tiến của địch.

Tướng Thước: Hai cuộc chiến xâm lược Việt Nam có chung một kịch bản
Trong kế hoạch của quân đội Trung Quốc đặt ra, nếu có thể tiến sâu về Hà Nội thì cố gắng tiến sâu — nhưng đã không một đơn vị nào của Trung Quốc có thể vượt qua tuyến một (tuyến các tỉnh biên giới), để xuống tuyến hai — hướng về Hà Nội.

Qua cuộc chiến tranh này, Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc bài học về mặt chỉ huy chiến trường, dạy Trung Quốc về tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành.

Đồng thời, chúng ta dạy cho Trung Quốc cách đánh phân đội nhỏ và những chiến thuật luồn sâu, chia cắt và chiến thuật bao vây, tiêu diệt những phân đội, đơn vị chiến đấu cơ bản của Trung Quốc. 

Chúng ta đã dạy cho Trung Quốc nhiều bài học chứ không phải như Đặng Tiểu Bình nói "dạy cho Việt Nam một bài học".

-Đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta, vậy chúng ta cần làm gì để trả lại vị trí xứng đáng cho cuộc chiến chống quân xâm lược tháng 2/1979 trong lịch sử dân tộc?

-Thiếu tướng Lê Mã Lương: Với chúng ta, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Chúng ta chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc.

Còn với Trung Quốc — đó là cuộc chiến phi nghĩa, vì họ đã bất ngờ phát động chiến tranh và đưa gần 60.000 quân tràn sang 6 tỉnh biên giới Việt Nam. Họ đã tàn sát dân thường và phá hủy nhiều công trình dân sinh của nước ta.

Tháng 12/1978: Trung Quốc hạ quyết tâm xâm lược Việt Nam
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đã là một phần của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã mở sang một trang mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lãng quên sự thật.

Sự thật ở đây là dân tộc chúng ta rất anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc — không sợ hãi mặc dù đối phương đã bất ngờ tấn công và họ mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Chúng ta đã chiến đấu và giành thắng lợi cho dù có những tổn thất rất lớn.

Hàng chục nghìn người lính và nhiều thường dân ngã xuống dưới làn đạn của quân xâm lược trong suốt giai đoạn 1979-1988.

Chúng ta không kích động, không gây hận thù, đơn giản là nói về lịch sử, nói về những gì cha anh đã phải trải qua để giữ gìn bờ cõi của Tổ quốc.

Đây là một phần của lịch sử và sự thật không ai được phép lãng quên, che mờ, chìm lấp. Còn nếu lãng quên cuộc chiến tranh biên giới 1979 là có tội với nhân dân, với những người đã ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng này.

Xin cảm ơn ông!

Thảo luận