Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm Việt Nam, dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định "ủng hộ mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực thương mại Mỹ — Việt".
Ông Trump cũng đánh giá cao Việt Nam đã tích cực xử lý một số vấn đề thương mại ưu tiên.
Để duy trì, phát triển mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, ông cho rằng hai nước cần đẩy mạnh một số cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp định thương mại Việt Nam — Mỹ và Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Song song đó, hai nước cũng cần tiếp tục thảo luận về khả năng nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ thương mại — đầu tư, phù hợp với sự phát triển của quan hệ kinh tế — thương mại và tính chất của quan hệ đối tác toàn diện.
Năm 2018 đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế thương mại Mỹ — Việt khi kim ngạch hai chiều đạt hơn 60 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu Mỹ sang Việt Nam tăng 46% và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần 2 đang diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp, tiếp một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, tài chính.
Ngoài nhà máy sản xuất linh kiện, Chủ tịch Boeing tiết lộ, tập đoàn này đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng lĩnh vực chế tạo phụ tùng máy bay ở Việt Nam và muốn trở thành đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật, bảo dưỡng, quản lý hạ tầng cảng hàng không.
Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhu cầu phát triển ngành hàng không là rất lớn. "Khả năng và triển vọng hợp tác hai bên rất cao, không chỉ là mua bán máy bay mà phát triển sang cả lĩnh vực chế tạo phụ tùng máy bay tại Việt Nam", ông nói và bày tỏ mong muốn Boeing tăng cường hợp tác giúp các hãng hàng không Việt Nam trong công tác bảo dưỡng máy bay, nâng cao hơn nữa độ an toàn.
Nhận xét môi trường đầu tư ở Việt Nam "rất tốt, con người Việt Nam rất lạc quan", nhờ đó việc kinh doanh ở Việt Nam của HSBC tiến triển tốt đẹp. Chủ tịch HSBC cam kết ngân hàng này sẽ làm ăn lâu dài tại Việt Nam.