Khẳng định mục tiêu của thành phố là hạn chế xe gắn máy vì số lượng xe gắn máy quá nhiều thì giao thông của thành phố không thể thuận lợi được, tuy nhiên, ông Tuyến khẳng định, thành phố không có chủ trương cấm xe gắn máy.
Theo ông Tuyến, chủ trương của thành phố là đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng để người dân thuận lợi lựa chọn phương tiện công cộng, từ đó hạn chế xe gắn máy.
Ông Tuyến giải thích chủ trương của thành phố là không cấm. Trong tất cả mọi chuyện, trừ trường hợp quy định của pháp luật cấm thì phải thực hiện, còn trong quản lý nhà nước thì thành phố chủ trương phải tạo điều kiện cho người dân lựa chọn những gì thích hợp nhất.
"Khi nào người dân cảm thấy việc chọn lựa giao thông công cộng thuận lợi thì chính quyền mới hạn chế xe gắn máy chứ không có chuyện cấm", ông Tuyến nhấn mạnh.
Phó chủ tịch thành phố cũng cho biết, hiện thành phố đang tập trung đầu tư tuyến metro, buýt nhanh, buýt thủy… thậm chí cả xe đạp công cộng để người dân có thêm cơ hội chọn lựa những phương tiện giao thông công cộng.
"Hy vọng có metro, xe buýt nhanh văn minh, lịch sự được người dân lựa chọn thì xe gắn máy sẽ tự động giảm. Còn hiện nay, khi giao thông công cộng chưa phát triển thì việc cấm xe gắn máy sẽ rất khó khăn", ông Tuyến nói.
Cũng theo ông Tuyến, hiện thành phố đã có đề án phát triển phương tiện công cộng, mục tiêu đến năm 2020, lượng khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng ít nhất là 15%, trong khi hiện nay tỷ lệ này chỉ có khoảng 9,7%.
"Chẳng hạn metro ngầm thì cũng sẽ có những tuyến thương mại ngầm để người dân không chỉ đi metro không mà còn có thể mua sắm. Hiện nay, thành phố đang quy hoạch lại không gian ngầm để triển khai phương án này", ông Tuyến nói thêm.
Trước đó, đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông của TP.HCM của Sở Giao thông — vận tải TP.HCM dự kiến sẽ hạn chế và tiến tới cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm (các quận 1, 3, 5, 10) vào giai đoạn 2025 — 2030.
Cụ thể, theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, khu vực ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 — 3 bánh (trong khu vực 4 quận trung tâm 1, 3, 5, 10) vào năm 2030 giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt — Châu Văn Liêm — Hồng Bàng — Lý Thường Kiệt — Bắc Hải — Cách Mạng Tháng Tám — Võ Thị Sáu — Đinh Tiên Hoàng — Tôn Đức Thắng.
Giai đoạn đến 2020 sẽ tiến hành thí điểm ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 — 3 bánh trên một số tuyến theo thời gian.
Ngưng hoạt động trên một số tuyến từ 7 giờ 00 đến 19 giờ 00 gồm: đường Pasteur đoạn từ giao Lý Tự Trọng đến giao Điện Biên Phủ (quận 1); Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ giao Điện Biên Phủ đến giao Lý Tự Trọng, quận 1).
Giai đoạn 2021 — 2025 tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 — 3 bánh, tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 — 3 bánh trên địa bàn quận 1 vào năm 2025. Khu vực ngưng hoạt động giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ.
Giai đoạn 2026 — 2030 sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 — 3 bánh, tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 — 3 bánh khu vực trung tâm thành phố gồm các quận 1, 3, 5, 10 vào năm 2030 khi hệ thống vận tải hành khách công cộng (gồm xe buýt, buýt đường sông, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT, xe đạp công cộng…) đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, đồng thời cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống vận tải hành khách công cộng đạt dưới 500 m.
Hà Nội, Jakarta ô nhiễm nhất Đông Nam Á
Bảng xếp hạng mức độ ô nhiễm của 3.095 thành phố trên thế giới ghi nhận 3 đô thị ô nhiễm nhất thế giới là Grugram (Ấn Độ) đứng thứ 1, Ghaziabad (Ấn Độ) đứng thứ 2, và Faisalabad (Pakistan) đứng thứ 3.
Trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới còn có 7 thành phố của Ấn Độ, 2 thành phố của Pakistan, và thành phố Hòa Điền, khu tự trị Tân Cương, thuộc Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Hà Nội có mức độ ô nhiễm đứng thứ 209, TP.HCM đứng thứ 455 thế giới.
Trong khu vực Đông Nam Á, ô nhiễm nhất là thành phố Hà Nội (Việt Nam) và Jakarta (Indonesia). Ngoài ra còn có 5 thành phố của Thái Lan là Samut Sakhon, Nakhon Ratchasima, Thabo, Saraburi, và Samut Prakan; 1 thành phố của Philippines là Meycauyan City.
Theo ông Yeb Sano — giám đốc điều hành của Greenpeace Đông Nam Á, ô nhiễm không khí đang lấy đi sinh kế và tương lai nhiều người. Ước tính thế giới thiệt hại 225 tỉ USD về sức lao động, và hàng nghìn tỉ USD cho chi phí y tế vì ô nhiễm không khí có tác động rất lớn đến sức khỏe con người.
Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu năm 2018 được GreenID thực hiện dựa trên việc rà soát, tổng hợp và xác thực dữ liệu từ hàng chục ngàn trạm quan trắc chất lượng không khí trên toàn thế giới.