Nhập "0 đồng" tiền xăng nhưng lại tăng giá: "Đó là vô lý, sai lầm phải thay đổi"

Sử dụng nguyên liệu trong nước nhưng lại lấy giá từ Singapore để điều chỉnh giá xăng trong nước là vô lý, đó là sai lầm phải thay đổi, báo Đất Việt bình luận.
Sputnik

Theo số liệu từ Cục Hải quan TPHCM, trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ đạt "0 USD", giảm sâu so với cùng kỳ 2018 (đạt 28,6 triệu USD). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước sử dụng xăng dầu sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Bộ Công Thương nói gì khi giá xăng tăng mạnh?

Thông tin này phát đi theo các chuyên gia kinh tế trong nước là tín hiệu tốt, cho thấy, nguồn nhiên liệu trong nước đã phần nào hỗ trợ được các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi (Đại học Hoa Sen) cho rằng, việc sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

"Hiện nay, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn đang đi sát giá xăng dầu thế giới vì thế, giá xăng trong nước vẫn đang được tính theo giá thế giới. Đây là lý do mới đây giá xăng đã được điều chỉnh tăng tới 900 đồng/1 lít trong tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, trong tương lai nếu Việt Nam đã chủ động được nguồn xăng, không phải nhập của thế giới lúc đó phải có cơ chế điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm tính hội nhập cũng như quyền lợi của người tiêu dùng", vị PGS nói.

Xăng RON 95 "âm thầm" tăng giá, Bộ Công Thương "ép" người dân dùng xăng E5?
Nói rõ hơn, GS Đặng Đình Đào (ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) cho rằng, ngành xăng dầu đang tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước với giá rẻ nhưng lại ăn theo giá thế giới, tăng giá khi lên, còn khi giảm thì chần chừ đó là do độc quyền, chỉ tính lợi cho mình.

Vị GS nói rõ, sự nhập nhèm trong tính toán chi phí sản xuất trong nước với giá thành nhập khẩu thế giới chính là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu minh bạch trong cách điều hành xăng dầu, khiến người dân chịu thiệt.

"Từ nhiều năm qua tôi vẫn nói, trước đây ngành xăng dầu phải đi nhập tới 60% nhưng bây giờ nguồn cung từ các nhà máy trong nước như Dung Quất đã giúp tỉ lệ đi nhập khẩu xăng dầu giảm xuống rất thấp, không còn đáng kể. Đây là tín hiệu tốt, có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù đang sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước với giá rẻ xong ngành xăng dầu vẫn luôn điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới và tính theo khung giá điều chỉnh theo từng chu kỳ là không hợp lý. Đã đến lúc phải minh bạch vấn đề này. Ngành xăng dầu không thể chỉ tính lợi cho mình. Đáng lẽ, khi có được nguồn nguyên liệu trong nước giá rẻ hơn thì người được hưởng lợi trước tiên phải là người tiêu dùng trong nước, ngành xăng dầu được hưởng lợi dựa theo số lượng xăng dầu được bán ra lớn hơn thì lợi nhuận thu về cũng cao hơn. Sử dụng nguyên liệu trong nước nhưng lại lấy giá từ Singapore để điều chỉnh giá xăng trong nước là vô lý, đó là sai lầm phải thay đổi", GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Việt Nam: Giá xăng tăng giảm phụ thuộc thuế?
Theo vị GS, để cho rõ ràng hơn, ngành xăng dầu cần phải công bố công khai số lượng xăng dầu nhập khẩu cũng như giá thành nhập về, trên cơ sở đó sẽ tính toán xem tỉ lệ giá xăng nhập khẩu chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường.

Vị GS cho rằng, câu chuyện này đã được nói cả chục năm qua nhưng tới nay vẫn không thấy tín hiệu thay đổi.

"Vấn đề ở đây là cần có cơ chế quản lý, điều hành thật minh bạch, rõ ràng, bởi, nếu chỉ giao cho ngành xăng dầu, chắc chắn không ai muốn từ bỏ lợi ích của mình, hơn nữa, đó lại là lợi ích quá lớn. Không nên để tiếp diễn tình trạng xăng dầu chỉ cần điều chỉnh 1 đến 2 lần là cả ngành đã sống được cả vài năm. Phải công bằng, khách quan với người tiêu dùng", vị GS nói.

Cũng theo vị GS, ngoài việc người tiêu dùng luôn chịu thiệt trong cơ chế điều hành giá xăng dầu, ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng thuế phải tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng thất thu, làm mất nguồn thu cho ngân sách.

"Việc điều chỉnh giá xăng lên xuống là ngàn năm có một giúp doanh nghiệp thu lợi rất lớn do việc quản lý xăng dầu quá lỏng lẻo. Tôi lấy ví dụ, mỗi lần tăng giá xăng dầu người tiêu dùng chỉ biết tăng nhưng không ai kiểm soát, quản lý lượng xăng tồn dư còn là bao nhiêu Nếu lượng xăng tồn còn lớn nhưng lại được tính bằng giá nhập mới thì rõ ràng cả nhà nước và người dân đang bị thiệt, chỉ doanh nghiệp là lợi", GS Đặng Đình Đào chỉ rõ.

Thảo luận