Việt Nam: Giá xăng tăng giảm phụ thuộc thuế?

© Fotolia / Chat_a4Trạm xăng
Trạm xăng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h hôm nay (5/4), giá xăng RON 92 được phép giảm 81 đồng/lít xuống mức tối đa 17.233 đồng/lít và xăng sinh học E5 giảm 67 đồng/lít xuống 17.032 đồng/lít.

Liên Bộ Công Thương — Tài chính vừa có thông báo mới về điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ 15h chiều nay (5/4). Theo quyết định của Liên Bộ, các mức trích lập quỹ bình ổn được giữ nguyên như hiện hành. Cụ thể, trích lập với giá xăng khoáng 300 đồng/lít, xăng E5 giữ nguyên mức 0 đồng/lít và giữ nguyên với các mặt hàng dầu.

Petrolimex - Sputnik Việt Nam
Giá xăng tăng lần đầu tiên trong năm 2017
Mức chi sử dụng quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng dầu vẫn giữ nguyên 0 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h, giá xăng RON 92 được phép giảm 81 đồng/lít xuống mức tối đa 17.233 đồng/lít và xăng sinh học E5 giảm 67 đồng/lít xuống 17.032 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu diesel giảm 369 đồng/lít xuống mức tối đa 13.469 đồng/lít và dầu hỏa giảm 189 đồng/lít xuống 11.988 đồng/lít. Dầu mazut được điều chỉnh giảm 234 đồng/kg xuống 10.616 đồng/kg.

Cùng việc giá cơ sở giảm, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu cũng giảm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 4521/BTC-QLG ngày 04 tháng 4 năm 2017.

Cụ thể, trong quý II năm 2017, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng dầu xăng giảm từ 10,56% xuống 10,21 %; dầu diesel giảm từ 1,98% xuống 1,18%. Thuế nhập khấu dầu hỏa giảm từ 0,08% xuống 0,07%; dầu mazut giữ nguyên 2,66%.

Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, tin từ Bộ Tài chính cho hay, ngày 14/2 Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Ngày 10/3, Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.

Theo lộ trình đó, tháng 9/2017 dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tháng 10/2017 trình Quốc hội xem xét thông qua.

Trước đó, Bộ Tài chính từng cho biết, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu nhằm tạo dư địa mức thuế để điều chỉnh, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế….

Trạm xăng - Sputnik Việt Nam
Giá xăng sẽ còn lên cao đến đâu?
Trong một công văn tham gia ý kiến gửi lên Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết "thống nhất cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung luật thuế Bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính".

Theo lý giải của doanh nghiệp xăng dầu hiện chiếm thị phần lớn nhất này: "Việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức khi sử dụng các sản phẩm có tác động trực tiếp đến môi trường, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế".

Tuy nhiên, bản dự thảo ngay sau khi được công bố đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khung thuế được đưa ra là mức quá cao.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên mức rất cao và không phù hợp ngay thời điểm đầu năm 2017. Ông Cung cũng cho rằng: "Đây là cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý của bộ máy chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp".

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, khung cũ 1.000 — 4.000 đồng/lít là khung cao, và việc ban soạn thảo đưa ra lý do mức áp thuế hiện tại 3.000 đồng/lít sát với khung thuế đang áp dụng và do giảm thuế nhập khẩu nên cuối cùng buộc phải tăng thuế bảo vệ môi trường là chưa thỏa đáng.

Ông Long cho rằng, việc nâng lên khung áp thuế 3.000 — 8.000 đồng/lít gây "sự ngỡ ngàng, và cảm nhận gần như là cú sốc".

Vấn đề minh bạch cũng được TS Lê Đăng Doanh đặt ra. Theo ông, Thủ tướng đã nói chi tiêu ngân sách phải công khai rõ ràng vì tiền của dân. Thuế môi trường cũng vậy, không thể thu nhưng cuối cùng không chi cho môi trường, điều này không đúng mục đích mà chúng ta nói.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2011 đến 2016, chiếm tỷ trọng từ 1,5% đến 4,1% trong tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm tỷ trọng từ 0,3%-0,9% trên GDP hàng năm.

Thời điểm thu thuế bảo vệ môi trường năm 2015 tăng lên đáng kể so với thu năm 2014, đưa tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường/tổng thu nội địa chiếm 3,65% cũng được lý giải do từ tháng 5/2015 thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất đối với xăng dầu.

 

Nguồn: Dân Trí

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала