“Đẹp nhưng không yếu”: Những người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019

Sputnik Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến độc giả danh sách đặc biệt các chính trị gia, nhà hoạt động, doanh nhân, các ngôi sao có đóng góp ý nghĩa đến xã hội Việt Nam nhân Ngày 8/3.
Sputnik

Vẻ đẹp trí tuệ, bản lĩnh kiên cường và khát khao hướng tới những tầm cao mới là những nét đặc trưng tiêu biểu mà "phái đẹp, nhưng không yếu" của Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trong nhiều lĩnh vực.

LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ

1. Nguyễn Thị Kim Ngân

Bà hiện là Chủ tịch Quốc hội thứ 8 và đương nhiệm của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam. Bà là nữ chính khách đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giữ các chức vụ này. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, bà hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Theo nhận xét của nhiều người bà là người gần gũi, bình dị, một nữ chính trị gia cao cấp sở hữu vẻ đẹp sắc sảo mang đậm nét phúc hậu của con người Việt Nam. Đầu năm 2016, Tạp chí Forbes bình chọn bà là người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam trong danh sách 20 người phụ nữ khi đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.

Việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội được dư luận đánh giá cao. Các ý kiến cho rằng điều đó chứng tỏ có sự thay đổi, dù khởi đầu của chủ trương đề cao vai trò người phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý, và chủ trương tăng số đại biểu nữ lên 30% để hội nhập thế giới, nam nữ bình quyền giới tại Việt Nam.

2. Tòng Thị Phóng

Bà hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam XII, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam. Tính đến tháng 1 năm 2011, bà là nữ chính khách thứ 2 trong Bộ Chính trị và là nữ chính khách người dân tộc thiểu số đầu tiên giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng được đánh giá là một trong những nữ chính trị gia nổi bật trên chính trường Việt Nam trong gần 10 năm qua. Bà là nữ chính trị gia giữ chức vụ cao nhất trong các cơ quan của Đảng từ trước tới nay của người dân tộc thiểu số khi lần lượt kinh qua các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và hiện nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (2007 — 2021).

3. Đặng Thị Ngọc Thịnh

Bà hiện là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Phó Chủ tịch nước, đồng thời là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Bà có trình độ chuyên môn là thạc sĩ xây dựng Đảng, cử nhân khoa học Sử, cử nhân luật, trình độ chính trị là cử nhân chính trị.

4. Nguyễn Thị Kim Tiến

Bà là một nữ chính trị gia, tiến sĩ y khoa, thầy thuốc nhân dân của Việt Nam. Bà hiện là Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam. Bà từng là Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (2002-2007), Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII tỉnh Hà Tĩnh (2007-2011), khóa XIII thành phố Hồ Chí Minh (2011-2016), Tổng biên tập Tạp chí Y học thực hành Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được rất nhiều danh hiệu và bằng khen: Thầy thuốc nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, nhiều Bằng khen Chính phủ, Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp.

5. Trương Thị Mai

Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, bà hiện là Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII (2015-2020), Bí thư Trung ương Đảng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai

Ngày 22 tháng 5 năm 2016: Bà trúng cử đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 24 tháng 5 năm 2017: Bà giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba khóa IV (nhiệm kỳ 2013-2018), thay thế bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

LĨNH VỰC KINH DOANH

1.Nguyễn Thị Phương Thảo

Hà Nội, là một nữ doanh nhân, tỷ phú hiện trên cương vị là tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet

Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017.

Theo Hãng tin Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi, nhờ bán máy fax và nhựa cao su. Tính đến ngày 7/4/2018, tài sản của bà đã tăng lên $3,7 tỷ.

Thương vụ có giá trị lớn nhất của hãng Vietjet với ký kết mua 100 máy bay của tập đoàn Boeing trị giá 12,7 tỉ đô la Mỹ dịp Tổng thống Trump thăm Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh hôm 27-28/2 vừa qua. Hãng này cũng ký hợp đồng bảo dưỡng động cơ trị giá 5,3 tỉ đô la Mỹ với tập đoàn General Electric.

2. Lê Thị Thu Thuỷ

Đây là một trong những "chiến tướng" gắn bó với VinFast từ những ngày đầu thương hiệu này ra đời. Doanh nhân này chính là người phát biểu mở màn cho buổi lễ ra mắt 2 dòng xe của VinFast tại sự kiện Paris Motor Show 2018.

Chủ tịch VinFast bà Lê Thị Thu Thuỷ nhận giải thưởng “Ngôi sao mới” tại Paris Motor Show 2018

3. Cao Thị Ngọc Dung

Bà hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) bà Cao Thị Ngọc Dung

Năm 2017, Cao Thị Ngọc Dung có tài sản 663 tỉ đồng, người phụ nữ giàu thứ 8 ở Việt Nam.

Từ năm 2015 đến năm 2018, bà là Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh — HAWEE.

4. Thái Hương

Bà Thái Hương sinh năm Mậu Tuất 1958, hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa TH, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BAB), đồng thời là Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu phức hợp chế biến sữa ở tỉnh Kaluga, với sự tham gia của công ty Việt Nam TH True Milk.

Bà Thái Hương được xem là một trong những người quyền lực của giới tài chính Việt Nam. Liên tiếp trong 2 năm 2015 và 2016, bà Thái Hương lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Thái Hương bắt đầu gây dựng TH True Milk vào năm 2008, khi đó, bà là Tổng giám đốc củ Ngân hàng Bắc Á, một trong những ngân hàng mà bà và cổ đồng sáng lập. Chỉ 6 năm sau khi có mặt trên thị trường, dưới bàn tay chèo lái của bà, TH true MILK trở thành một thương hiệu lớn trong ngành sữa Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.

5. Trương Mỹ Lan

Trương Mỹ Lan là nữ doanh nhân có bề dày kinh doanh tại Việt Nam nhưng kín tiếng với truyền thông. Tuy vậy, tên tuổi bà Lan và Vạn Thịnh Phát, công ty do bà làm chủ tịch được cho là sở hữu nhiều bất động sản có vị trí vàng tại trung tâm TP.HCM.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Bà Lan được xem là cá nhân chi phối hoạt động của ngân hàng thương mại SCB được hợp nhất từ ba ngân hàng hoạt động yếu kém là SCB — Đệ Nhất — Tín Nghĩa vào cuối năm 2011. Ở nhánh kinh doanh F&B, bà sở hữu nhiều nhà hàng thuộc phân khúc trung, cao cấp. Chồng bà, ông Chu Lập Cơ, quốc tịch Hong Kong là chủ tịch HĐQT công ty Times Square Việt Nam.

LĨNH VỰC VĂN HÓA-THỂ THAO

1. H'Hen Niê

H'Hen Niê là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, sinh năm 1992 tại Đắk Lắk, là người dân tộc thiểu số đầu tiên tại Việt Nam giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Cô có sắc tộc Ê Đê với làn da nâu và mái tóc ngắn.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê

Cô đã đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 tại Thái Lan và lọt vào Top 5 chung cuộc. Đây chính là thành tích cao nhất của Việt Nam trong lịch sử tham gia cuộc thi này.

Chuyên trang Missosology đã công bố H'Hen Niê đoạt giải thưởng Timeless Beauty (Vẻ đẹp vượt thời gian) năm. Cô cũng là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên chiến thắng giải thưởng này trong lịch sử. Chuyên trang Global Beauties cũng đã công bố H'Hen Niê là một trong 10 người cuối cùng (hạng 8) cạnh tranh cho danh hiệu Miss Grand Slam (Hoa hậu của các hoa hậu) năm 2018.

2. Bùi Thị Thu Thảo

Cô là một vận động viên nhảy xa Việt Nam. Thành tích đáng chú ý nhất của cô là đạt huy chương vàng tại Giải vô địch điền kinh Châu Á 2017 và Đại hội Thể thao châu Á 2018 và huy chương bạc tại Đại hội Thể thao châu Á 2014.

Bùi Thị Thu Thảo

Thành tích tốt nhất của cô đạt được là 6,68 mét đạt được tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Kuala Lumpur 2017, hiện tại chính là kỷ lục quốc gia.

Tối 27/8/2018, Bùi Thị Thu Thảo đã giành tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại nội dung nhảy xa. Vượt qua nhiều khó khăn và nghị lực phi thường, Thảo đã chạm tới ước mơ của mình.

3. Nguyễn Hương Giang

Hương Giang Idol tên thật là Nguyễn Ngọc Hiếu, sinh năm 1991 tại Hà Nội. Sau khi chuyển giới, cô quyết định thử sức với "Vietnam Idol 2012" và mượn chứng minh thư nhân dân của chị gái ruột tên Nguyễn Hương Giang, sinh năm 1987 để hoàn thiện hồ sơ đăng kí. Hương Giang Idol đăng quang "Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018" nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nguyễn Hương Giang

Mới đây khi được Fobes Việt Nam vinh danh là một trong "50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" năm 2019, Hương Giang đã xúc động viết: "Không biết phải nói gì lúc này, em cảm thấy mình quá bé nhỏ với thành quả này, và quá bé nhỏ với thành tựu của các chị cùng trong Top, những Chủ tịch, những Tổng giám đốc, những người đứng đầu của các lĩnh vực kinh tế xã hội văn hóa và có sức ảnh hưởng to lớn. Em có lẽ là một trong những người trẻ nhất ở đây và có lẽ đã quá may mắn cho em khi được đứng ở đây chung với tất cả mọi người.

Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được công nhận như thế này, không chỉ được công nhận về việc em là một người phụ nữ, mà còn được công nhận như một trong những cá nhân có sức ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam". Cảm ơn Forbes Việt Nam. Thực sự trân trọng những ghi nhận của mọi người dành cho em".

4. Trần Phương My

Cô được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 người trẻ tuổi dưới 30 tuổi thành công nhất tại Việt Nam vào năm 2015.

Trần Phương My

Cô bắt đầu sang Mỹ từ năm 13 tuổi. Từng theo học chuyên toán tại UCLA (Mỹ), nhưng Phương My sớm từ bỏ vì để theo đuổi sở thích vẽ, thiết kế và thời trang. Cô hoàn tất việc học ở Academy of Art University tại California và tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật San Francisco vào năm 2012. Từng làm báo và làm việc cho nhiều hãng thời trang lớn, Phương My có nhiều cơ hội tích lũy kinh nghiệm cho con đường phát triển một thương hiệu riêng.

Phương My khởi đầu với chiến thắng cuộc thi thiết kế thời trang "Are You Runway Ready" (New York, Mỹ), rồi góp mặt ở các sân chơi danh giá như New York Fashion Week 2010, Macy's Fashion Night Out 2010, Black V Fashion Show 2011 (San Francisco), Tokyo Fashion Fuse 2011, New York Fashion Week Spring 2012… Không chỉ là nhà thiết kế, cô còn là stylist được nhiều tạp chí thời trang của Việt Nam như Đẹp, Harper's Bazaar, Elle… tin tưởng.

5. Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Cà Mau, là một gương mặt ấn tượng trên văn đàn đương thời. Cô đã nhận nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2008), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2006).

Nguyễn Ngọc Tư

Cánh đồng bất tận là tập truyện ra mắt năm 2005, lấy theo tên một truyện vừa trong sách. Cuốn sách đã tạo nên một hiện tượng xuất bản, với số lượng phát hành lớn, đông đảo công chúng yêu thích. Theo NXB Trẻ, tới đầu năm 2018, sách đã phát hành 158.274 bản.

Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực.

Thảo luận