Mùa xuân năm 2018, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã công bố trên trang web của mình danh sách các phần thưởng, các chuyến công tác nước ngoài và những tài liệu khác liên quan đến Yuri Gagarin từ Quỹ Lưu trữ Quân đội Trung ương. Tài liệu thú vị nhất là bản nhận xét công tác của Gagarin trong thời gian ông sống tại Trung tâm đào tạo vũ trụ. Chiều cao 165 cm, nặng 68 kg. Sức khỏe tốt, tham gia chơi bóng rổ. Có kỷ luật, là một sĩ quan có trình độ. Trí tuệ phát triển cao. Bản tính điềm tĩnh, vui vẻ. Tính tình hòa đồng, lạc quan, hài hước lành mạnh…" Các nhà tâm lý học cũng lưu ý rằng Gagarin luôn lịch sự với tất cả, đặc biệt ông là người rất cẩn thận.
Tức là, ngoài dữ liệu về thể chất và trình độ chuyên nghiệp, ủy ban cũng đã lưu ý đến những gì mà ngày hôm nay sẽ được gọi là "hình ảnh truyền thông". Ngoại hình của phi hành gia tương lai, cách cư xử, kỹ năng giao tiếp của ông — đó là những nét quan trọng trong tính cách Gagarin. Và với Gagarin, tất cả đều "trúng hồng tâm": nụ cười nổi tiếng của ông trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của thế kỷ 20.
Sau chuyến bay vào vũ trụ vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, Gagarin đã có một tour du lịch thế giới thực sự khải hoàn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với ban lãnh đạo Liên Xô. Khi đó đang là đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh và chạy đua vũ trang, Gagarin trở thành nhân vật quyền lực mềm, có thể thay đổi quan niệm của nhiều người phương Tây đối với Liên Xô. Nhà du hành vũ trụ đã đến thăm 30 quốc gia, phát biểu và trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Yuri Gagarin chưa đến thăm Việt Nam. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô đến Hà Nội là phi hành gia dự bị của Gagarin, ông Gherman Titov, người Liên Xô thứ hai bay vào vũ trụ hồi tháng 8 năm 1961. Cả hai đều được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam.
Bà Nguyễn Nguyễn Định, phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam nhớ lại: "Ở miền Nam Việt Nam, chúng tôi ngay lập tức được biết về chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin qua chương trình phát thanh tiếng Việt của Đài Moskva. Chúng tôi đã nhanh chóng in hàng ngàn tờ rơi với tin tức này tại xưởng in bí mật dưới lòng đất ở Bến Tre. Các chiến sĩ của chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ với vũ khí, với những tờ truyền đơn này, truyền cảm hứng cho những người yêu nước đấu tranh vì hạnh phúc của Tổ quốc thân yêu."
Khi Gagarin lên đường bay vào vũ trụ, cô con gái lớn của ông mới lên 2, còn đứa con út mới được một tháng tuổi. Ngay trước chuyến bay, Gagarin đã để lại một lá thư vĩnh biệt cho vợ con để phòng xa. Trong thư, ông xin vợ nuôi dạy các con gái thành người tốt và có ích cho xã hội. Bức thư được trao lại cho vợ Gagarin khi ông qua đời vào ngày 27 tháng 3 năm 1968 trong vụ tai nạn, khi đang thực hiện chuyến bay huấn luyện. Gagarin khi đó chỉ mới 34 tuổi. Cho đến nay, nguyên nhân và hoàn cảnh của vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn.
Vợ của Gagarin, bà Valentina, không tái hôn. Con gái lớn của nhà du hành vũ trụ, cô Elena, là tổng giám đốc tổ hợp bảo tàng Kremlin Moskva. Con gái út của ông có tên Galina là Giáo sư Kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc dân Moskva. Con trai của cô được đặt theo tên ông nội là Yuri. Gia đình có truyền thống là mỗi năm, vào ngày sinh nhật của Gagarin, cả nhà lại tập trung tại căn hộ trong Trung tâm đào tạo phi hành gia ở Thị trấn Ngôi Sao, ngoại ô Moskva, để nhớ về người chồng, người cha và ông nội, như thể ông đi làm về muộn.
Và 19 năm sau chuyến bay của Gagarin, phi hành gia đầu tiên của Việt Nam, Phạm Tuân, người được đào tạo tại Trung tâm đào tạo phi hành gia ở thị trấn Ngôi Sao, đã đặt hoa trước đài tưởng niệm nhà du hành vũ trụ đầu tiên của hành tinh, được dựng tại Trung tâm này.