Chiều 11/3, ông Vũ Văn Viện — Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định hệ thống giao thông công cộng của TP chắc chắn đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân nếu xe máy bị cấm hoạt động (theo tuyến, khu vực) trong nội thành. Tuy nhiên người dân cũng phải thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân bằng xe máy để sử dụng phương tiện công cộng.
- Kỳ họp thứ 11 năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết đến năm 2030 sẽ cấm xe máy hoạt động trong nội thành. Vậy tại sao ông lại đưa ra quan điểm "cấm xe máy càng sớm càng tốt"?
— Nghị quyết HĐND TP đến năm 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận. Thế nhưng căn cứ vào điều kiện thực tế khu vực nào đủ điều kiện (vận tải hành khách công cộng) thì cấm luôn chứ không đợi đến năm 2030 mới cấm đồng loạt xe máy.
Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào trong nội thành chúng tôi cũng căn cứ theo lộ trình đã định sẵn trong Nghị quyết của HĐND, theo đó TP sẽ cấm xe máy theo tuyến, theo khu vực như phố đi bộ hiện nay.
- Hệ thống phương tiện giao thông công cộng của TP hiện nay liệu có đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân hay không nếu xe máy sớm bị cấm hoạt động trong nội thành?
— Hệ thống phương tiện giao thông công cộng của TP chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể như hiện nay, khu vực trung tâm của TP không thiếu phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, người dân vẫn không từ bỏ thói quen đi xe máy — với quãng đường có 100 m, nhiều người cũng đi xe máy.
- Việc kết nối giữa phương tiện giao thông công cộng với khu vực dân cư còn nhiều bất cập như quãng đường đi bộ quá xa, thời gian chờ đợi và ngồi trên xe buýt quá lâu khiến người dân ngại sử dụng phương tiện công cộng?
— Trong đề án chúng tôi đã nói rõ, với khu vực trung tâm TP phải đảm bảo điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cậm hệ thống giao thông công cộng phạm vi dưới 500 m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ.
Chúng tôi hiểu rằng sử dụng phương tiện cá nhân bao giờ cũng tiện hơn phương tiện công cộng. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa. Nếu cứ mỗi người một xe, ra đường đông kín như vậy, ùn tắc bao giờ giải quyết được!
- Kinh tế của Hà Nội và nhiều người dân của Thủ đô trong giai đoạn này được cho là "kinh tế xe máy". Nên nếu Hà Nội cấm xe máy sớm nhiều người dân khó thích nghi, điều đó khiến họ cũng lo ngại ảnh hưởng đến mưu sinh?
Còn như tôi đã nói là thói quen sử dụng xe máy của người dân đã có từ nhiều năm trước, thì đến giờ chúng ta phải xây dựng thói quen sử dụng phương tiện công cộng.
Trên thế giới cũng vậy, ban dầu là phương tiện cá nhân, dần dần người ta cũng chuyển đổi sang phương tiện công cộng. Để người dân chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân như vậy thì phải có lộ trình và nhà nước cũng phải đảm bảo điều kiện cho người dân đi lại.
- Việc cấm xe máy như vậy liệu có phải TP đẩy việc khó cho người dân?
— Việc hạn chế hoạt động xe máy tiến tới dừng hoạt động ở các quận không phải nhằm gây khó cho người dân mà nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại và vì lợi ích chung, vì một môi trường trong sạch và một đô thị phát triển bền vững.
Còn cứ mỗi người một xe ra đường thì đến lúc tắc nghẽn nghiêm trọng, ô nhiễm không khí hàng ngày, hàng giờ con em chúng ta đang phải chịu. Chính điều đó khiến những người có trách nhiệm của TP phải suy nghĩ chứ.
Thực tế, TP không chỉ dừng hoạt động xe máy, ngay cả đối với ô tô cũng phải kiểm soát bằng giải pháp kinh tế và phân luồng hạn chế hoạt động ở một số khu vực.
- Xin cảm ơn ông!