ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Không công bố gian lận thi là nhân đạo với…sai phạm

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ tiêu cực trong thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình vừa qua, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng khẳng định cần phải công khai danh tính những trường hợp vi phạm, báo Tiền Phong dẫn lời khẳng định.
Sputnik

Ông Nhưỡng nói: Tôi không đồng tình với quan điểm không công bố danh tính các thí sinh gian lận thi cử vì mục đích nhân đạo. Xin được hỏi, anh nhân đạo với ai? Anh nhân đạo với vi phạm à? Giấu đi vì nhân đạo, vậy những người khác là nạn nhân của họ thì sao? Xã hội trở thành "con tin" của những hành vi sai phạm thì tính sao?

Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Sao phải sợ sinh viên “dởm” bị tổn thương?

Nên nhớ, có bao nhiêu người được vào đại học bằng con đường chạy chọt, gian lận, thì cũng đồng nghĩa với việc có bấy nhiêu người bị đẩy ra, trở thành nạn nhân một cách đau xót. Theo tôi, bắt buộc phải công bố công khai, thậm chí hủy ngay kết quả của những trường hợp gian lận ấy. Đã vi phạm thì phải công khai, có gì là bí mật đâu mà phải giấu giếm. 

Những con người gian lận như vậy, nếu công bố danh tính, tôi tin họ cũng chẳng thấy bị ảnh hưởng gì cả. Bởi họ đã trên 18 tuổi rồi, không còn trẻ nữa, đã có bản lĩnh rồi. Vả lại trong trường hợp này hoàn toàn mang yếu tố hành chính, họ có phải tội phạm đâu mà sợ ảnh hưởng tới tương lai?

Với năng lực, trình độ của mình như vậy, khi đi thi anh phải biết tương đối kết quả của mình ra sao nếu tự túc làm bài. Đằng này biết rõ làm bài chẳng ra gì, lực học thì như thế, vậy mà tự nhiên kết quả điểm thi lại cao chót vót. Bất thường như vậy chẳng lẽ họ không biết? Đó là chưa kể nhiều bất thường có thể diễn ra trong quá trình thi, như việc bố trí phòng thi, bố trí chỗ ngồi, thậm chí chép bài… 

Dù không trực tiếp hành vi, nhưng các thí sinh gian lận ấy phải được coi là đồng phạm. Trong trường hợp này chúng ta phải có một thái độ kiên quyết, rõ ràng. Bởi việc thi cử vốn rất thiêng liêng, công bằng và công khai.

Gian lận thi tại Hòa Bình: Không công bố vì sợ 'tổn thương' thí sinh
Có người nói ở Mỹ cũng xảy ra trường hợp tương tự và họ không công bố. Nhưng chúng ta không thể áp dụng Mỹ vào Việt Nam được. Theo tôi cứ công bố công khai để còn răn đe cho những người khác, cũng để những người thực hiện hành vi ấy hiểu rằng, chính họ đã biến con em họ thành nạn nhân. Gian lận như vậy, không công bố lấy ai mà giám sát? Vi phạm như vậy, người dân cũng có quyền được biết chứ!

Còn đối với những người thực hiện hành vi gian lận, tùy theo tính chất mức độ, cứ theo quy định của pháp luật mà xử lý. Đến bây giờ chúng ta cũng không biết được hành vi của họ đến đâu. Mỗi trường hợp một khác, có người có thể bị xử lý hành chính, cũng có thể bị kỷ luật tùy theo tính chất mức độ và hành vi của từng người. Nhưng bất kể người đó là ai, địa vị thế nào cũng phải xử lý một cách công bằng, nghiêm khắc.

Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, trong vụ việc này, tôi đề nghị phải thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật, có xem xét cả khía cạnh đạo đức học đường. Tôi cũng mong cử tri và nhân dân ủng hộ xây dựng một xã hội thi cử trong sạch, công bằng, đúng pháp luật. Đã học tập thì phải đàng hoàng thực chất, để sau này trở thành những người tài, người có ích thực sự cho đất nước, chứ không phải gian lận để có bằng cấp để rồi leo cao, chui sâu vào vị trí này, vị trí kia trong xã hội.

Thảo luận