Đà Nẵng: Sẵn sàng tâm thế mới để phát triển

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết 43) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, theo congthuong.
Sputnik

"Đường băng" mới

Năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết này đã từng bước giúp Đà Nẵng thực hiện con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cho thấy, Đà Nẵng là thành phố đi đầu phát triển nhanh và ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng bộc lộ các tồn tại, hạn chế. Tốc độ phát triển của Đà Nẵng bắt đầu chậm lại, thậm chí còn bị bỏ lại ở một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế — xã hội. Theo nhiều chuyên gia, điều này xảy ra với Đà Nẵng tương đối sớm.

Trước thực tế đó, những mục tiêu cho giai đoạn 2021 — 2030 của Đà Nẵng được Nghị quyết 43 xác định rất rõ: Tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm; dịch vụ 12,5 — 13,5%/năm; công nghiệp 11,5 — 12,5%/năm; nông nghiệp 4 — 5%/năm. Các lĩnh vực công nghệ cao đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2% của cả nước; thu ngân sách tăng trên 15%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên bình quân tăng trên 10%/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 cả nước.

Nghị quyết 43 nhấn mạnh đến chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, với Nghị quyết 43, Bộ Chính trị thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để "cởi trói", xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung — Tây Nguyên và cả nước. Cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào ba lĩnh vực chính. Một là, Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý…; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Hai là, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ba là, Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên — thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ — nhìn nhận, với Nghị quyết 43, Bộ Chính trị đã xác định đúng cái tầm gắn với thời đại cho Đà Nẵng; xác định đúng vị thế của Đà Nẵng trong phát triển miền Trung và Tây Nguyên cũng như của cả nước. Xác định đúng thế của Đà Nẵng là bay lên như thế nào, hướng nào, tọa độ nào Đà Nẵng có thể trở thành nổi bật. Đây chính là "đường băng" để Đà Nẵng cất cánh.

Bí thư Trương Quang Nghĩa: Đà Nẵng 'cố gắng nói ít, làm thật'

Thay đổi mô hình phát triển

Với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 —NQ/TW cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo, TS. Trần Du Lịch — thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ — cho rằng, tới đây, Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng có trách nhiệm triển khai có hiệu quả, cả hệ thống chính trị tạo sự đồng thuận của người dân để làm sao triển khai có hiệu quả Nghị quyết 43.

Từ những thành công của giai đoạn 15 năm phát triển (2003-2018) với những thương hiệu "thành phố đáng sống", "thành phố của APEC", cùng những bài học thành công và cả vấp váp, câu chuyện đặt ra cho Đà Nẵng trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị chính là làm sao để từ Đảng bộ, chính quyền thành phố đến từng người dân giữ được "lửa" trong lộ trình phát triển tới đây.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình An — nguyên Chủ tịch MTTQ thành phố Đà Nẵng — nhìn nhận, Đà Nẵng từ khi được trực thuộc Trung ương vào năm 1997 đã có sự phát triển, đặc biệt sau Nghị quyết số 33 năm 2003 đã có sự thay đổi không thể nói hết được, lớn, rất kỳ diệu.

Cũng theo ông An, để thực hiện được các yêu cầu của Nghị quyết 43, Đảng bộ thành phố phải đổi mới sáng tạo nhiều trong công tác vận động quần chúng cũng như thực hiện quy hoạch.

Một điểm mới quan trọng của Nghị quyết 43 là phải thay đổi mô hình phát triển và phát triển khi công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học — công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực.

Ông Võ Duy Khương — Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng — cho rằng, quan niệm khởi nghiệp là sân chơi, phong trào thì hoàn toàn không chính xác. Nếu quan niệm như vậy, khởi nghiệp không bao giờ phát triển lên được.

Được biết, Thành ủy Đà Nẵng đã giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính — ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…; tham mưu dự thảo chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 43.

Thảo luận