Xe quan gắn hai biển xanh: Lãnh đạo tỉnh ủy Ninh Bình có bí mật gì chăng?

Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Cán bộ, lãnh đạo địa phương đi công tác không có gì phải bí mật, sao lại phải dùng đến hai biển số?
Sputnik

Lùm xùm xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công thương còn chưa kịp lắng xuống thì mới đây, người dân Ninh Bình lại tiếp tục phản ánh việc một chiếc Camry dùng hai biển số xanh và được sử dụng luân phiên khi chở lãnh đạo Tỉnh uỷ Ninh Bình đi công tác. Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có những vụ việc như  trên là do cán bộ lạm quyền, vi phạm pháp luật nhưng xử lý trách nhiệm thì chưa nghiêm.

Vụ xe biển xanh đón phu nhân ông Trần Tuấn Anh: Trách nhiệm Bộ trưởng ở đâu?

Phân tích cụ thể trường hợp xe công hai biển số ở Ninh Bình, ông Thuận cho hay, theo thông tin phản ánh và đã được ông Tô Quốc Việt, Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình xác nhận: chiếc ôtô Camry vốn được Ban quản lý dự án Thăng Long (Hà Nội) sử dụng, mang biển số xanh 80B-2924.

Tháng 7/2008, Bộ Tài chính quyết định điều chuyển chiếc xe về Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình sử dụng và được cấp biển số xanh 35A-5888.

Theo quy định về việc cấp biển số xe hiện nay của Bộ Công an, biển số màu xanh 80A, 80B là thuộc cơ quan hành chính do Trung ương quản lý. Tương ứng, cơ quan hành chính cấp quận, huyện của thành phố thuộc cấp tỉnh, thành phố quản lý sẽ mang đầu biển xanh theo từng tỉnh.

Với quy định như vậy, khi Bộ Tài chính thực hiện bàn giao chiếc xe của Ban quản lý dự án Thăng Long (Hà Nội) cho tỉnh Ninh Bình, Bộ Công an sẽ phải thu hồi lại biển số 80B đã được cấp trước đó và trách nhiệm cấp lại biển xanh theo đầu số của tỉnh sẽ trực thuộc các cơ quan chức năng địa phương.

Vụ xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Đừng xuê xoa, quá tam ba bận"

Tuy nhiên, theo phản ánh, biển số 80B đã không được thu hồi nhưng xe vẫn được cấp thêm biển xanh mới mang đầu số 35A. Như vậy, chiếc xe này cùng lúc đang tồn tại hai biển xanh.

Xét về nguyên tắc, khi được giao xe và cấp lại biển số cho tỉnh Ninh Bình quản lý, cơ quan này sẽ phải sử dụng theo biển số mới được cấp, nhưng, theo phản ánh, chiếc xe đã cùng lúc sử dụng cả hai biển số và được đổi qua, đổi lại cho nhau.

"Ông Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Ninh có giải thích là: "Việc sử dụng cả hai biển kiểm soát do cán bộ quản lý xe chưa nghiên cứu đầy đủ quy định liên quan đến việc đăng ký, sử dụng xe công" là không thỏa đáng.

Ở đây có hai vấn đề, một là, trách nhiệm của cơ quan công an tỉnh Ninh Bình khi thực hiện cấp biển mới cho chiếc xe nhưng lại không tiến hành thu hồi biển số xe cũ. Cơ quan này sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này.

Thứ hai, cần làm rõ mục đích sử dụng xe công trong trường hợp này. Cụ thể, vì sao phải dùng hai biển xe xanh để thay đổi cho nhau?. Trường hợp lãnh đạo giải quyết việc gì thì đổi biển xe 80B, trường hợp nào sử dụng biển 35A? Ai là người đưa ra quyết định cho thay đổi biển số xe như vậy?

Xe biển xanh đi dự tiệc thôi nôi: "Xin lỗi anh em!"

Việc này cũng giống một người sử dụng hai chứng minh thư vậy. Ngoài những nguy cơ lạm quyền, lách luật như để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông, còn có khả năng sử dụng vào những mục đích mờ ám, mưu lợi cá nhân, cần phải làm rõ.

Hơn nữa, công việc của một Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND không phải là những công việc liên quan tới bí mật an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, vì thế, không thể sử dụng hai biển số xe đổi qua, đổi lại cho nhau như vậy", ông Thuận nói.

Xe quan gắn hai biển xanh: Lãnh đạo tỉnh ủy Ninh Bình có bí mật gì chăng?

Từ phân tích nêu trên, ông Trần Quốc Thuận lo lắng, tình trạng sử dụng xe công sai mục đích đã không chỉ dừng lại ở việc lợi dụng tài sản công phục vụ mục đích cá nhân như trường hợp của Bộ Công thương nữa mà việc sử dụng tài sản công còn biến tướng, trái luật pháp. Đó đều là do lạm quyền mà ra.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không được sử dụng xe công vào việc riêng

Ông Thuận cho rằng, vụ việc đã cho thấy có biểu hiện cán bộ, công chức chưa thượng tôn pháp luật, đi ngược lại với chủ trương cán bộ, lãnh đạo phải làm gương của Bộ Chính trị.

Như vậy, xét về tính chất vi phạm và mức độ ảnh hưởng, việc xử lý kỷ luật không thể dừng lại ở khiển trách, tự phê bình mà cần phải xử lý thật nghiêm.

Cũng theo ông Trần Quốc Thuận, sở dĩ thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan tới sử dụng xe công sai là do cách thức xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

"Người ta vẫn nói, sợi dây kinh nghiệm nó dài quá, cứ rút mãi, rút hoài không hết nên người ta không có biết sợ. Vấn đề là việc nào phải ra việc đó, phải tùy mức độ nặng nhẹ, tùy tính chất vụ việc để xử lý cho nghiêm, xử lý thật thích đáng, đúng quy định của pháp luật", ông Thuận nhấn mạnh.

Thảo luận