Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, trả lời về việc xử lý vụ xe biển xanh đón người nhà của cán bộ lãnh đạo tại sân bay, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội đồng kỷ luật do Bộ thành lập đã đề nghị kỷ luật 3 người gồm nhân viên lễ tân, trưởng phòng lễ tân và lãnh đạo Văn phòng Bộ. Hai mức kỷ luật được đưa ra là khiển trách và kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đề xuất này, lãnh đạo Bộ Công thương sẽ xem xét hợp lý chưa và quyết định.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ông đã theo dõi phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công thương và khi ông trao đổi với nhiều cán bộ về hưu, nhiều người cũng quan tâm đến vấn đề này. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, quan trọng là làm sao nhận thức rõ được trách nhiệm của người thi hành công vụ , đừng vì nịnh cấp trên mà dẫn đến sai lầm cho cấp trên.
Theo ông Nguyễn Túc, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện như vậy tại Bộ Công thương.
Vào tháng 5/2017, báo chí phản ánh về việc ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương xin cấp thẻ kiểm soát an ninh vào khu vực cách ly của sân bay Nội Bài.
Theo thông tin từ Bộ Công thương khi ấy, sau khi ông Hoàng liên lạc đề nghị được tạo điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục vào khu vực cách ly sân bay Nội Bài để tiễn người thân đi công tác nước ngoài, một cán bộ phụ trách lễ tân của Văn phòng Bộ Công thương đã làm công văn trình Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương lý mà không báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Trở lại với vụ việc xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng lần này, vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, nếu đây là sự chủ động của Văn phòng Bộ Công thương thì chính sự chủ động ấy đã làm mất uy tín.
"Xu hướng nịnh cấp trên tương đối phổ biến trong bối cảnh hiện nay. Nhiều cán bộ, công chức nịnh cấp trên để được quan tâm, ưu ái, song không phải cái nịnh nào cũng khiến cấp trên phấn khởi. Có không ít trường hợp cán bộ, công chức có động cơ không tốt, lựa dịp nịnh cấp trên để đưa cấp trên vào tròng, làm khổ cấp trên.
Tôi nghĩ sự việc lần này đã đẩy Bộ trưởng Bộ Công thương vào thế khó xử. Tuy nhiên, khi xem xét xử lý những cán bộ vi phạm, lãnh đạo Bộ Công thương phải tuyệt đối nghiêm túc, đừng dĩ hòa vi quý. Mức kỷ luật khiển trách và kiểm điểm rút kinh nghiệm mới chỉ là đề nghị của Hội đồng kỷ luật, còn quyết định kỷ luật ở mức nào do cấp ủy chỉ đạo, chính quyền ở đó cùng công đoàn xem xét. Nhưng chắc chắn sẽ phải làm nghiêm túc, tránh tình trạng xuê xoa, để tái diễn "quá tam ba bận" khiến dư luận dị nghị", ông Nguyễn Túc phân tích.
"Phải tỉnh táo trước khen chê của dư luận, đặc biệt là trước khen chê của cơ quan mình vì đôi khi nó khiến người ta đi vào sai lầm, mắc khuyết điểm", ông nói.
Vụ việc cán bộ của Bộ Công thương sử dụng xe công sai mục đích xảy ra vào ngày 4/1, khi lực lượng kiểm soát an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho ô tô biển kiểm soát của Bộ Công thương vào đón khách tại sân đỗ máy bay.
Đáng chú ý, trước khi sự việc trên diễn ra, Văn phòng Bộ Công thương ngày 3/1 có văn bản gửi đến Cảng vụ Hàng không miền Bắc và các đơn vị liên quan về việc đón tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bộ này cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đi công tác tại TP.HCM và trở về Hà Nội lúc 17 giờ ngày 4/1 trên chuyến bay VN262. Do đó, Văn phòng Bộ đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Bắc tạo điều kiện đón Bộ trưởng tại sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.
Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm đó có lịch làm việc tại Hà Nội và không có trên chuyến bay này. Người được chiếc xe biển xanh của Bộ Công Thương đón là người thân ông Trần Tuấn Anh.
Ngày 8/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã gửi thư xin lỗi vì Văn phòng Bộ này "dùng xe công vào đón người nhà Bộ trưởng".