Thứ trưởng: 'Tại sao không đánh sập website bán hàng giả?'

Chính sách quản lý thương mại điện tử không gắn với thực tế và bán hàng online đang trở thành môi trường sống của hàng giả, thông tin đăng tải trên báo Pháp luật TP.HCM.
Sputnik

Đây là thực tế được ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" do Bộ Công Thương tổ chức, ngày 18-4.

Việt Nam quyết xử lý hàng giả trên mạng

Ông An nêu thực tế, việc chống hàng giả trên thương mại điện tử (TMĐT) còn khó khăn hơn nhiều vì không có địa chỉ rõ ràng. Các sàn TMĐT chỉ là trung gian khớp nối giữa người mua-người bán và họ không có những kho hàng vật lý.

“Nếu cứ làm và chống hàng giả trên TMĐT theo phương thức truyền thống thì không thể đạt kết quả. Tôi thử search “Gucci” trên mạng, ngay lập tức ra loạt trang online: Gucci fake, Gucci fake xịn, Gucci fake 1… với loạt giá rao bán khác nhau", ông An nói.

Theo ông An, hiện nay công cụ, chế tài xử lý các vi phạm trên TMĐT chưa thoả đáng, chưa đủ rộng. Người bán và người mua chưa hiểu việc bán – mua hàng fake là hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, vi phạm pháp luật.

“Các nhà quản lý cần làm thế nào không để kinh tế số, môi trường số trở thành môi trường sống của hàng giả, cần xác định đây là cuộc chiến đầy cam go.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, nếu cơ quan quản lý không xây dựng chính sách với những đặc thù của TMĐT thì cuộc chiến này sẽ khó có hồi kết, hậu quả khôn lường. Hành vi bán hàng giả trên TMĐT đang làm méo mó thị trường, thất thu ngân sách, NTD bị phương hại. Phải có chế tài mạnh, không để môi trường Internet làm “môi giới, trung gian” cho kinh doanh bán hàng giả

Xấu hổ: Lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam dùng bằng giả?

Nêu một số giải pháp kiểm soát hàng giả trên mạng, ông An đặt vấn đề:

“Tại sao chúng ta không đánh sập website, thu tên miền nếu phát hiện bán hàng giả. Trách nhiệm người cung cấp máy chủ, domain, dịch vụ Internet… ở đâu? Phải gắn trách nhiệm của những đối tượng này trong việc chống hành vi kinh doanh hàng giả trên TMĐT”.

Còn ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đánh giá, TMĐT là một phần quá trình thương mại được thực hiện trên không gian mạng. Lực lượng chức năng chưa nhận diện đầy đủ hành vi, thủ phạm để có biện pháp xử lý.

“Ngày xưa, người dân chủ yếu kinh doanh truyền thống trong siêu thị, cửa hàng, nhưng nay TMĐT phát triển, và đây cũng là nơi để một số đối tượng lợi dụng chia sẻ, buôn bán hàng không đảm bảo yêu cầu, làm người tiêu dùng nhầm tưởng mua hàng thật nhưng thực tế là fake”- Ông Thế nói.

Cùng với đó, theo ông Thế, hệ thống quy định về TMĐT của Việt Nam chưa theo kịp thực tế, chế tài xử lý chưa đủ răn đe. Thêm vào đó, năng lực chuyên môn, trang thiết bị của lực lượng chức năng chưa kịp thời, thường xuyên.

Khi hàng giả Trung Quốc ồ ạt tuồn vào Việt Nam…

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường bổ sung thêm, TMĐT đang bùng nổ về số lượng, chất lượng. Bất kể ai cũng có thể tham gia vào quá trình kinh doanh trên TMĐT. Các thủ đoạn, hành vi gian lận trên TMĐT khác nhiều so với kinh doanh truyền thống.

TMĐT đang là trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng gian hiệu quả. Tình hình này diễn ra tương đối công khai trên các sàn TMĐT, mạng xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội. Không riêng hàng giả, mà cả hàng cấm cũng được bán tràn lan. Người tiêu dùng sợ không mua hàng trên mạng vì không biết tin vào ai.

Hiện nay, đa phần các đối tượng bán hàng qua website, TMĐT không đăng ký và việc vi phạm này là phổ biến. Việc bán hàng qua mạng chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, có sự tham gia của các cán bộ, học sinh, sinh viên. Họ thường dùng hình ảnh hàng thật để quảng bá nhưng thực chất chất lượng là giả. Các mặt hàng bị giả nhiều nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo…

Thảo luận