Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng quản lý thị trường do Bộ Công thương tổ chức chiều 23-1, các ý kiến đều nhìn nhận tình trạng hàng lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, khó ngăn chặn.
Ngập tràn hàng giả, hàng nhái
TP.HCM được xem như một đầu mối vận chuyển, buôn bán hàng giả, mà phần lớn là hàng tiêu dùng và hàng thời trang. Theo ông Phan Hoàn Kiếm, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM kiêm chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, các mặt hàng giả phổ biến là đồng hồ, túi xách, quần áo, giày dép có mẫu mã đa dạng, giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài như Gucci, Chanel, Louis Vuitton, Nike, Adidas…
"Phần lớn hàng giả mạo nhãn hiệu nêu trên đều là hàng nhập lậu xuất xứ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng mỹ phẩm được làm giả, nhái như hàng thật từ bao bì, màu sắc, mùi hương, bán giá rẻ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng…" ông Kiếm nói.
Cũng theo ông Kiếm, tình hình hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ còn diễn biến phức tạp do có lợi nhuận cao, người tiêu dùng thích sử dụng hàng có gắn mác thương hiệu nổi tiếng, giá rẻ. Trong khi đó, sản phẩm VN sản xuất có ít mẫu mã, hình thức không bắt mắt, giá cao hơn nhưng chất lượng chưa cao.
Các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón, vật tư nông nghiệp… cũng có tình trạng hàng giả. Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, hàng giả không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật.
Tại phía đầu nguồn nhập khẩu hàng giả, hàng lậu từ Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Trường, quyền chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, cho biết tình hình buôn lậu cuối năm gia tăng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như quần áo may mặc sẵn, hàng điện tử, điện dân dụng, thực phẩm, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…
Nhiều kẽ hở cho hàng giả tuồn vào
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đặt câu hỏi vì sao việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả rất quyết liệt với hàng loạt kế hoạch nhưng thực tế hiện tượng làm hàng giả, hàng kém phẩm chất, vi phạm trên nhiều lĩnh vực vẫn ngày càng gia tăng và tinh vi?
Dẫn ra một số mặt hàng, địa bàn luôn là "điểm nóng" về hàng giả như đường, phân bón, thuốc lá…, ông Tuấn Anh tiếp tục hỏi tại sao những mặt hàng là "cố hữu, thường xuyên" mà hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra công khai?
"Tại sao có đủ lực lượng chức năng nhưng phối hợp không đồng bộ và để tồn tại buôn lậu biên giới và nội địa? Tại sao nhiều mặt hàng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu vẫn chưa tổng kết để có kế hoạch hành động hữu hiệu?" — bộ trưởng hỏi.
Ông Nguyễn Văn Trường cho rằng một số văn bản pháp luật đã bộc lộ những bất cập nhưng chưa được sửa đổi, dẫn tới các đối tượng lợi dụng để hợp thức hóa hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả.
"Với những trường hợp là hàng lậu nhưng lại có hóa đơn bán hàng và đã được chuyển quyền sở hữu cho người mua, việc xử lý, tịch thu hàng hóa nhập lậu rất lúng túng, không có quy định rõ ràng, không thống nhất giữa các văn bản pháp luật", ông Trường nói.
Nhìn nhận đang còn những bất cập trong quy định pháp luật, công tác phối hợp, song ông Tuấn Anh thẳng thắn chỉ rõ có nhiều vụ việc xảy ra không chỉ do trình độ chuyên môn mà còn có yếu tố liên quan phẩm chất cán bộ thực thi pháp luật. Do đó, để đấu tranh và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hiệu quả thì tới đây có thể tính đến việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để hàng giả, hàng lậu hoành hành, công khai.
So với 2015 tăng hơn 1.000 vụ vi phạm
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2016 Việt Nam đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm gian lận thương mại, tăng trên 1.000 vụ so với năm 2015. Một số mặt hàng trọng điểm như số vụ phân bón tăng lên tới 150%, với số tiền xử phạt tăng 200%; vi phạm thuốc lá tăng 16%…
Nguồn: tuoitre.vn