Thực ra không chỉ riêng người Việt. Nhiều nhân công từ các nước khác ở Đông Nam Á – người Indonesia, người Philippines và người Thái Lan cũng làm việc trên đảo. Tổng số lao động nước ngoài như vậy ở Đài Loan hiện là 700.000 người, và 1/3 trong số này đến từ Việt Nam.
Chính quyền của hòn đảo bắt đầu sử dụng lao động người nước ngoài khi nhận ra rằng các cư dân Đài Loan giàu có không muốn làm lụng trong ngành sản xuất công nghiệp nặng hay trên các tàu cá vất vả. Cũng rất ít người muốn tự mình chăm sóc người thân cao tuổi của gia đình trong khi lớp cư dân già ngày càng đông – đơn giản bởi tuổi thọ ở Đài Loan đang tăng lên.
Hàng nghìn công dân Việt Nam đổ đến làm việc tại Đài Loan. Nhiều người trong số họ được hứa hẹn mời chào công việc nhẹ nhàng mà mức lương khá, đến 1.000 USD một tháng. Nhưng trên thực tế, mọi thứ hóa ra không như vậy và trước hết bởi có khâu môi giới chuyên tổ chức chuyến đi cho người nước ngoài đến Đài Loan. Thông thường môi giới tô vẽ bức tranh sắc màu hấp dẫn về điều kiện làm việc và sinh hoạt ở xứ người và đó là quy luật dễ hiểu: “Quảng cáo luôn là động lực của thương mại”. Nhưng số tiền mà môi giới đòi hỏi cho dịch vụ “đưa người” của họ thường ở mức khiến một lao động Việt Nam phải làm thuê trong thời gian dài để hoàn trả. Một môi giới Đài Loan thu của người Việt từ 3.000 đến 7.000 USD. Cộng thêm vào đó, khi được xếp việc trên hòn đảo, một nhân công Việt Nam mỗi tháng còn phải trả 50-60 USD cho đại lý tư nhân Đài Loan, dường như có thể trợ giúp để ở lại đảo này. Còn mức lương trung bình của một người Việt làm thuê trên đảo hiếm khi vượt quá 500 USD. Vì thế thật khó gọi công việc ở Đài Loan là béo bở có lợi nhuận tốt.
Có hiện tượng đáng chú ý là người Đài Loan tuyển dụng nhân công từ Việt Nam nhiều hơn người từ các nước khác ở Đông Nam Á. Báo chí cho biết rằng để được bố trí làm thuê ở Đài Loan, người Việt cần trả phí nhiều gấp 1,3 lần so với người Indonesia và người Philippines.
Nhiều người Việt Nam cũng phàn nàn về điều kiện làm việc và sinh hoạt tồi tệ ở Đài Loan. Minh chứng khách quan đáng buồn về mặt này là con số hơn 200 công dân Việt Nam đã chết tại Đài Loan trong mấy năm 2014-2018. Tuy nhiên cũng có thực tế khác là không ít người Việt phá hợp đồng và tìm kiếm những công việc bất hợp pháp.
Ở đây cũng không thể không tính đến sắc thái tình cảm dân tộc. Dân đảo Đài Loan có điểm không khác người Trung Hoa đại lục là nhìn người Việt với vẻ bề trên “mục hạ vô nhân”.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhanh chóng và Chính phủ Việt Nam không ngừng nỗ lực để gia tăng chỗ làm việc trong nước và mức sống của cư dân. Hẳn là theo thời gian, những công dân Việt Nam bình thường rồi sẽ không còn muốn rời xa quê hương để đi làm thuê ở xứ người. Nhưng ngay từ hôm nay cũng đã không nhất thiết phải bán sức trong sự trói buộc của các thương nhân Đài Loan. Phải chăng, dù thế nào cũng có mặt tốt khi sống theo câu ngạn ngữ mà cả người Nga và người Việt tâm đắc: “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.