Năm 2011, Mai vay 6.300 USD, cao gấp 10 lần mức lương hàng năm cô nhận được tại một nhà máy sản xuất chip điện thoại tại miền bắc Việt Nam. Một đối tượng “cò” lao động đã thu của Mai số tiền trên và hứa hẹn tìm cho cô công việc tại một nhà máy thiết bị điện tử ở Đài Trung, miền trung Đài Loan.
Mai bỏ lại con trai và chồng, một nông dân gần như bị mù 1 bên mắt, vì đối lượng cò môi giới hứa hẹn cô có thể kiếm được 1.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, không một ai nói với Mai về chi phí, thuế, sinh hoạt phí hay việc cô phải làm ca đêm quần quật từ 5h chiều tới 8h sáng hôm sau. Khoản tiền thực tế cô nhận được là 500 USD.
Khi người chủ lao động đe dọa sẽ đuổi việc 45 công nhân Việt Nam vì lên tiếng chống lại chính sách của công ty, 20 người đã quyết định bỏ trốn để kiếm việc làm bất hợp pháp bên ngoài. Mai là một trong số họ.
“Tôi không thể về nhà. Tôi đã trên 30 tuổi, sẽ rất khó để có thể quay về. Tôi phải chạy trốn, ít nhất là tôi có cơ hội kiếm tiền”, Mai nói.
Hàng nghìn lao động "mất tích"
SCMP dẫn một khảo sát cho thấy có khoảng 25.000 lao động Việt Nam đã và đang “mất tích” ở Đài Loan. Giống như Mai, nhiều người đến với hòn đảo dưới danh nghĩa lao động hợp pháp, nhưng họ đã phá hợp đồng và gia nhập thị trường “chợ đen”. Số lao động Việt Nam “mất tích” chiếm gần 1 nửa tổng số lao động nước ngoài “không thể liên lạc” ở Đài Loan, trong khi Indonesia chiếm hầu hết phần còn lại.
Có rất nhiều lý do khiến lao động bỏ trốn, ở lại quá thời gian cho phép trên thị thực hoặc đến Đài Loan kiếm việc thông qua những kênh phi pháp, không chính thống.
Theo bà Nguyen Thi Mai Thuy, điều phối viên chương trình quốc gia của tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam, khoản chi phí cao để kiếm được việc làm dẫn tới nợ nần là một trong những nguyên nhân chính.
Đài Loan mở cửa thị trường lao động cho các công nhân tay nghề kỹ thuật thấp từ năm 1992, nhằm đối phó với tình trạng dân số ngày càng già hóa và xu hướng của giới trẻ Đài Loan không thích làm việc tại các nhà máy, tàu cá, hay viện dưỡng lão.
Từ đó tới nay, hòn đảo đã chứng kiến làn sóng lao động nhập cư từ Indonesia, Thái Lan và Philippines. Việt Nam tuy tham gia sau nhưng đã trở thành một trong những nguồn cung lao động lớn cho Đài Loan từ năm 2001 và hiện chiếm 1/3 trong tổng số 700.000 công nhân nước ngoài tới hòn đảo lao động. Con số này chỉ xếp sau Indonesia.
Cách thức duy nhất cho các lao động trình độ thấp Việt Nam kiếm việc ở Đài Loan là thông qua các đại lý môi giới. Với mức chi phí ban đầu khá cao, nhiều người đã chọn con đường phi chính thống để tìm việc, rơi vào rủi ro trở thành nạn nhân buôn người.
Cuối năm ngoái, sự việc 152 người Việt Nam biến mất sau khi đến Đài Loan dưới dạng thị thực du lịch, đã trở thành cuộc bỏ trốn quy mô lớn chưa từng có ở hòn đảo.
Tính tới 21/2, khoảng 61 người vẫn đang mất tích. Một số bị bắt khai nhận với cảnh sát rằng họ đã bỏ ra 3.000 USD để được đưa sang Đài Loan với hy vọng có thể kiếm được việc làm. Cảnh sát hòn đảo đã cáo buộc 2 công dân Đài Loan và 2 công dân Việt Nam có liên quan tới vụ việc này.
Theo một nguồn tin của SCMP, ngay cả các công ty môi giới hợp pháp cũng có thể thu của các lao động 7.000 USD để đảm bảo người này sẽ làm việc trong một công ty, nhà máy trong 3 năm. Con số này cao gấp 1,3 lần chi phí mà lao động Indonesia phải trả, cao gấp 2-3 lần con số mà lao động Philippines và Thái Lan bỏ ra.
Ngoài ra, lao động Việt Nam cũng có xu hướng mất tích nhiều hơn cả. Năm 2018, có 4,38 % lao động Việt Nam mất tích, trong khi chỉ số này ở Indonesia là 2,88, Thái Lan là 0,5 và Philippines là 0,41.
Môi giới “ăn xổi”
Pham Thao Van, một nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động cho biết những công ty “môi giới” thường có xu hướng gửi đi được càng nhiều công nhân càng tốt, không quan tâm tới việc đào tạo kỹ năng và ngôn ngữ cho họ. Những đối tượng “cò” chỉ muốn đẩy các lao động đi càng nhanh càng tốt.
Cách làm việc “ăn xổi” dẫn tới các lao động thiếu thông tin và họ thường “vỡ mộng” khi nhận được đồng lương ít ỏi và điều kiện làm việc cực nhọc khác xa với những gì được quảng cáo quê nhà.
Các đơn vị tuyển dụng tư nhân ở Đài Loan thường thu thêm của lao động một khoản phí hàng tháng 50-60 USD. Trên giấy tờ, họ có trách nhiệm giúp đỡ lao động nhập cư xử lý rào cản ngôn ngữ, các vấn đề hành chính và làm trung gian hòa giải khi xảy ra xung đột giữa lao động và công ty chủ quản. Tuy nhiên, trên thực tế, họ không làm được gì nhiều và thậm chí còn khiến lao động thêm phần vất vả.
Mai và các đồng nghiệp Việt Nam của cô đã khiếu nại lên cơ quan phụ trách vấn đề lao động của Đài Loan đòi hỏi quyền lợi về phí đảm bảo an ninh, điều kiện sống vất vả và thức ăn tệ hại. Công ty của Mai cuối cùng đã phải trả lại cho họ phí đảm bảo an ninh nhưng cũng cắt ngắn hợp đồng lao động của Mai xuống 2 năm và đe dọa thay thế họ bởi người Thái Lan.
“Người Thái không phàn nàn. Họ không phải trả nhiều tiền ban đầu như chúng tôi”, Mai nói. Sau 4 năm sống chui lủi, làm đủ mọi nghề và thỉnh thoảng bị quỵt lương, Mai về nước và không tiết kiệm được là bao. Tuy nhiên, Mai đã quyết định phải về vì con cô đã lớn và cô muốn dành thời gian với cha, người mắc bệnh ung thư và không còn nhiều thời gian để sống vào thời điểm đó.
Pham Thao Van cho biết mỗi ngày bà nhận được hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn từ những lao động. Họ xin lời khuyên về việc chuyển việc, phàn nàn về công ty Đài Loan làm khó và dọa gửi họ về nhà.
Bà Van, gần 50 tuổi, đã dành 9 năm qua lãnh đạo tổ chức Trái Tim Yêu Thương, tổ chức tình nguyện xử lý việc hơn 200 lao động Việt Nam tới Đài Loan qua đời từ năm 2014-2018. Hầu hết họ đều không có giấy tờ.
“Tôi đã tự tay đưa 30 hũ tro cốt tới gia đình của các công nhân qua đời”, bà Van nhớ lại. Bà cho biết hầu hết những trường hợp qua đời là vì không được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp túi tiền, hoặc họ phải sống và làm việc trong điều kiện thiếu an toàn.
Dù bà Van đã trở lại Việt Nam từ năm ngoái, nhiều lao động vẫn tiếp tục liên hệ với bà qua Facebook vì “họ không biết phải tìm tới ai”. Bà Van thường không thể từ chối vì bản thân bà cũng là lao động bất hợp pháp trước khi trình diện cảnh sát năm 2018.
Những bất cập
Bà Van sang Đài Loan năm 2004 khi 35 tuổi, bỏ lại con trai 13 tuổi và công việc ở Thái Bình vì đồng lương thấp. Bà chọn trở thành một người giúp việc ở Đài Loan.
Tuy nhiên, mọi thứ không như những gì bà được hứa hẹn. Sau khi chi trả 1.200 USD cho bên môi giới, bà chỉ nhận được mức lương 116 USD/tháng và điều kiện làm việc thực sự hà khắc.
“Thật sự rất cực khổ. Tôi phải chăm lo cho một bà cụ già trong một gia đình 7 người, trong đó có một em bé 10 tháng tuổi. Tôi không được ra ngoài và chỉ được ăn 1 bữa”, bà Van kể.
Điều kiện lao động của giúp việc không được luật pháp Đài Loan quy định vì thế cho nên không có cái gọi là mức tương tối thiểu người giúp việc được nhận, hay nghỉ phép hoặc giờ giấc làm việc quy định.
Đồng lương thấp và bị ngược đãi là nguyên nhân khiến rất nhiều giúp việc từ Việt Nam bỏ trốn vào những năm 2000. Đài Loan đã dừng nhận các giúp việc từ năm 2005-2015.
Vì vậy, khi bà Van hết hợp đồng vào năm 2007, bà không thể tái ký. Nợ nần vẫn còn chồng chất ở Việt Nam, bà quyết định bỏ trốn.
Theo bà Van và các nhà hoạt động, mức phí mà lao động Việt Nam đóng quá cao là vì đơn xin việc của họ phải đi qua quá nhiều cầu môi giới. Thông thường, một bên môi giới Việt Nam sẽ nhận hồ sơ của lao động trong khi phía công ty Đài Loan cũng sẽ làm việc qua phía môi giới khác. Quá nhiều trung gian ở giữa và các bên đều muốn kiếm lời dẫn tới khoản phí bị dồn lên lao động.
Các tổ chức phi chính phủ và tổ chức hoạt động vì quyền công nhân kỳ vọng sẽ loại bỏ được các trung gian ở giữa. Nguyen Quyet, một người môi giới cho biết ông kỳ vọng rằng chính quyền Đài Loan sẽ cho phép công ty môi giới Việt Nam kết nối thẳng với các công ty của hòn đảo để cắt bớt quy trình rườm rà và giảm thiểu chi phí.
Ngoài ra, các nhà hoạt động cũng kêu gọi các công ty môi giới nên có sự chuẩn bị kỹ càng về ngôn ngữ, kiến thức bị tâm lý cho các lao động trước khi đi làm việc.
Chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực trong việc giảm thiểu các trung gian. Theo bà Thuy từ ILO, từ năm 2016, Việt Nam đã đàm phán cơ chế tuyển dụng trực tiếp với Đài Loan và đang sửa đổi luật lệ với lao động đi xuất khẩu.