Lái xe uống rượu bia, dùng ma túy chưa gây tai nạn bị tước bằng lái 3-5 năm
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) quý I, triển khai kế hoạch quý II-2019 do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức ngày 24-4, ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM - kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tước vĩnh viễn bằng lái xe thay vì tước có thời hạn đối với tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn.
Đồng thời xem xét quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải với trường hợp bố trí tài xế có sử dụng ma túy lái xe.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khước - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm giao thông theo hướng tăng nặng, đủ sức răn đe.
Cụ thể là tăng mức phạt tiền, xử lý hình sự, tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người; tước bằng lái xe 3-5 năm với lái xe sử dụng rượu bia, ma túy tham gia giao thông; buộc lao động công ích với các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe; xử lý lực lượng thực thi công vụ bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm.
Theo trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - vừa ban hành kế hoạch xử lý chuyên đề về vi phạm rượu bia, ma túy vi phạm làn đường, phần đường, dừng đỗ…, thực hiện xuyên suốt trong năm 2019.
Ông Dũng nhận định việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và lái xe sử dụng ma túy là hai việc khó và phức tạp.
"Hiện nay cán bộ, công nhân viên, người lao động đều uống rượu bia rất nhiều và nhiều người vẫn lái xe sau khi uống. Đầu tiên phải vận động, xử lý vi phạm là khâu sau cùng. Nhiều ý kiến cho rằng các đồng chí cứ tổ chức chặn ngay trước quán bia để xử lý người từ quán bia ra mà lái xe đó, cũng là một biện pháp nhưng mà chưa hay lắm, rất phản cảm", tướng Dũng nói.
"Mọi người trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị đều lên án, lái xe thì dứt khoát không được uống rượu bia mới là quan trọng".
Cục trưởng Cục CSGT cũng nói tình trạng không chấp hành người thi hành công vụ rất phức tạp: "Người uống rượu bia, ma túy bất chấp hết, mọi can thiệp của cảnh sát không ăn thua. Một số người quá khích đỗ xe và bỏ đi gây cản trở giao thông nhưng về pháp luật chưa có hành lang pháp lý cho cảnh sát trong trường hợp đó. Nếu quá tay lại vướng ngay pháp luật.
Khi một người dừng xe bỏ đi mà không có các chế tài giao quyền hạn cho người có thẩm quyền thì không cẩu xe đi được, không bắt giữ người ta được vì chưa đến mức hình sự. Khi say xỉn tấn công cảnh sát thì ở các nước sẽ bắt giữ ngay, lúc nào tỉnh rượu mới làm việc. Nhưng ở nước ta, anh em CSGT làm thế thì có chuyện ngay".
Trước lý giải của ông Dũng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng việc cần làm là rà soát hành lang pháp lý để rõ ràng hơn. Nhưng phó thủ tướng cho rằng cơ quan công an có thể vận dụng các quy định pháp lý hiện có để xử lý ngay những trường hợp trên, bởi vì hành vi cản trở giao thông là tội hình sự, có thể xử hình sự. Hành vi gây rối trật tự công cộng cũng có thể tạm giữ hành chính.
Tỉ lệ phát hiện lái xe dùng ma túy còn thấp so với thực tế
Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, trong quý I-2019 tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, người bị thương. Tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như xe container đâm vào người dừng đèn đỏ ở Long An, xe tải đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang ở Hải Dương.
Hai vụ tai nạn này làm chết nhiều người và cả hai lái xe đều dương tính với ma túy.
Theo phó thủ tướng, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy đang rất đáng lo ngại. Việc kiểm tra, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào tuần tra, kiểm soát của CSGT hoặc các đợt khám sức khỏe tập trung.
"Tỉ lệ phát hiện còn thấp so với thực tế, vai trò của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế. Phải xử lý nghiêm, sửa luật để phạt nặng, bắt buộc lao động công ích, tịch thu phương tiện, tước bằng với người vi phạm mà xe của họ là chính chủ.
Nếu vi phạm này thuộc trách nhiệm các nhà xe, chủ doanh nghiệp thì phải rà soát quy định pháp luật để xử lý nghiêm. Lưu ý hiện có tội đưa xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông sử dụng gây nguy hiểm cho xã hội, vẫn là vi phạm luật hình sự nên có thể xử lý hình sự khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Không thể nào chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải không biết tài xế của mình nghiện ma túy. Anh phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát lái xe của mình", phó thủ tướng nhận định.
Phó thủ tướng đề nghị ngành công an chú ý khi tạm giữ bằng lái xe phải đưa vào cơ sở tích hợp dữ liệu vi phạm có liên kết đến cơ quan khác của Bộ GT-VT để xác minh khi người đó xin cấp lại bằng. Chỉ mất thật mới được cấp lại, trường hợp gian dối thì hủy kết quả sát hạch lái xe, xử lý trách nhiệm với các tổ chức cá nhân trong cơ quan cấp bằng lái nếu cấp lại bằng đã bị thu giữ.
Liên quan đến trung tâm đăng kiểm 98-03D ở Bắc Giang bị đóng cửa vì cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định cho 5 xe tải ở Lào Cai, bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ rà soát các trung tâm đăng kiểm, nơi nào làm sai thì không chỉ thu hồi giấy phép hoạt động mà còn đề nghị Bộ Công an khởi tố.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong quý I năm 2019, cả nước xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với 3 tháng đầu năm 2018, số vụ, số người chết và số người bị thương đều giảm, nhưng có đến 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người.
Đáng chú ý là vụ ôtô khách đâm đoàn người đưa tang tại địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, làm 7 người chết, 1 người bị thương; vụ ôtô Lexus đâm vào đội dịch vụ tang lễ trên đường Nguyễn Công Trứ, TP. Quy Nhơn, Bình Định làm 4 người chết, 6 người bị thương.