Các tác giả bản báo cáo cho rằng Paris cần củng cố vị thế của mình trong khu vực, nhưng điều này bị cản trở bởi một số yếu tố, trong đó phải kể đến ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, cũng như hoàn toàn thiếu triển vọng trong lĩnh vực vũ khí, vì Hà Nội đã hợp tác với Moskva trong lĩnh vực này. Điều bất mãn đặc biệt là sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực, cũng như ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Báo cáo cũng phân tích về mối quan hệ của Paris với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với Việt Nam. Tuy nhiên, Quốc hội Pháp cho rằng sự phát triển quan hệ giữa Paris và Hà Nội bị cản trở bởi thực tế là trong vấn đề vũ khí, Việt Nam hợp tác độc quyền với Moskva - nhà cung cấp chính các sản phẩm quân sự cho Việt Nam.
Trong cuộc mạn đàm với RT, ông Dmitry Abzalov, chủ tịch Trung tâm Truyền thông Chiến lược cho biết, ngay cả dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, nước Pháp đã cố gắng thâm nhập vào thị trường các quốc gia Đông Nam Á, nhưng Paris gặp phải một số khó khăn trong việc tìm khách hàng mua vũ khí mới.
“Một điều đáng chú ý là vũ khí của Pháp phải trải qua một số thất bại ở thị trường nước ngoài. Theo truyền thống, công nghiệp quốc phòng của Pháp tích cực hoạt động trong lĩnh vực Không quân, ngay dưới thời Sarkozy đã từng nỗ lực xâm nhập thị trường nước ngoài, chủ yếu ở các nước Đông Nam Á. Nhưng gần đây, vũ khí của Pháp đang bắt đầu thụt lùi” - chuyên gia nói.
Theo ông Dmitry Abzalov, Việt Nam là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Cụ thể, Hà Nội đã mua máy bay chiến đấu Su-30MK2, sáu tàu ngầm dự án Varshavyanka, hàng chục xe tăng T-90. Ngoài ra, theo truyền thông Mỹ, kể cả Việt Nam, ít nhất 13 quốc gia quan tâm đến việc mua các hệ thống chống tên lửa S-400 của Nga.
“Vũ khí của chúng tôi là tốt nhất từ thời Liên Xô và bây giờ vẫn như vậy. Nếu các đồng nghiệp Pháp sẽ tiến vào thị trường Đông Nam Á, việc họ cần làm là phải chế tạo vũ khí bình thường” - ông Abzalov nói.
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp đã chuẩn bị một số khuyến nghị về tăng cường ảnh hưởng của nước này trong Biển Đông. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng Pháp cần đáp trả các hành động của Trung Quốc trong khu vực. Theo bản báo cáo, Bắc Kinh đang xâm lấn và quân sự hóa khu vực, cũng như cố gắng chia rẽ các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gây ảnh hưởng đối với từng thành viên. Báo cáo lưu ý rằng Pháp cần liên kết các quốc gia châu Âu để phát triển lập trường chung của EU về các vấn đề liên quan đến Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung.
Theo ông Vladimir Brutera, chuyên gia Viện nghiên cứu chính trị-nhân đạo quốc tế, mối quan tâm chính của Pháp ở Biển Đông là phát triển quan hệ thương mại. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, tình hình nội bộ ở Pháp nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung cản trở sự phát triển hợp tác với các nước trong khu vực.
“Thị trường Biển Đông rất rộng lớn. Mặt khác, Pháp muốn bán nhiều hàng hơn nữa trong khu vực này với giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, tình hình nội bộ ở nước Pháp và EU không cho phép quan hệ giữa các nước lớn nhất châu Âu với các nước thứ ba phát triển bình thường. Thứ nhất, thiếu sự tin tưởng, thứ hai, chi phí nhiều hàng hóa đầu tư quá cao, và thứ ba, các điều khoản thương mại còn thiếu minh bạch” - ông Vladimir Brutera kết luận.