Trưa ngày 5/5 theo giờ Mỹ, tức rạng sáng ngày 6/5 theo giờ Việt Nam, trong hai dòng tweets đăng liên tiếp, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng Washington sẽ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, bắt đầu từ thứ Sáu tuần này. Ông chủ Nhà Trắng cũng đe dọa đánh thuế 25% với thêm 325 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Khi chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc nổ ra, khoảng 30% doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết họ đang tìm mua linh kiện hoặc sản xuất bên ngoài Mỹ và Trung Quốc để tránh thuế quan, theo kết quả khảo sát gần đây do Phòng Thương Mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc thực hiện.
Nhiều công ty châu Á cho biết chiến tranh thương mại đã khiến họ phải nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc. Theo Giám đốc điều hành Spencer Fung của Công ty Li & Fung - một nhà cung cấp hàng may mặc và tiêu dùng chính cho các nhà bán lẻ gồm Walmart và Macy’s, cho biết tỷ lệ hàng mua từ Trung Quốc của công ty đã giảm sâu, đặc biệt là khi chiến tranh thương mại nổ ra, và điều đáng ngại là xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ông Fung nhận định:
“Trung Quốc vẫn đóng một vai trò nhất định và không thể thay thế. Các khách hàng sẽ không rời bỏ Trung Quốc ngay lập tức, nhưng họ đã lên kế hoạch đó từ lâu và chiến tranh thương mại chỉ là một trong những ngòi nổ”.
Công ty Li & Fung của ông hiện đang thu mua hàng may mặc từ các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Philippines, trong khi hàng da giày chủ yếu từ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và châu Âu. “Đang có xu hướng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, và chúng tôi luôn khuyến nghị khách hàng đừng nên đặt hết trứng vào cùng một giỏ”, ông Fung cho biết.
Đặc biệt, quá trình dịch chuyển sản xuất này dường như diễn ra nhanh hơn trong lĩnh vực công nghệ cao. Công ty Delta Electronics đến từ Đài Loan là một doanh nghiệp chuyên cung cấp linh kiện cho các sản phẩm iPhone và MacBook của Apple, cho biết đang mua lại Delta Electronics Thái Lan để có thể tiếp cận tốt hơn các trung tâm sản xuất tại nước này, cũng như Ấn Độ và Slovakia.
Theo Chủ tịch Delta Electronics - ông Yancey Hai thì:
“Môi trường địa chính trị đang đầy rẫy biến động sau khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu. Làn sóng thuế quan mới nhắm đến hàng Trung Quốc đã tác động đến Delta”.
Tại Đài Loan, tương tự như Delta Electronics, công ty Pegatron chuyên lắp ráp iPhone cho Apple, cũng đang cân nhắc chuyển các địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, Mexico, Cộng hòa Czech và Ấn Độ.
Hay một công ty khác cũng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ là Công ty Quanta Computer, cho biết công ty đã sẵn sàng trong trường hợp các khách hàng lớn muốn sản xuất sản phẩm bên ngoài Trung Quốc để tránh thuế. Một lãnh đạo của Quanta cho biết:
“Chúng tôi có một vài địa điểm bên ngoài Trung Quốc để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tạm thời nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang”.
Di dời dây chuyền sản xuất là điều khó khăn, tuy nhiên mối đe dọa từ chiến tranh thương mại cũng tốt cho hoạt động kinh doanh vì nó giúp các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng vững chắc. Kerry Logistics Network - công ty dịch vụ hậu cần Hong Kong có mạng lưới rộng khắp châu Á, đang hưởng lợi từ việc di chuyển ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng này bắt đầu trở nên rõ ràng khi chi phí nhân công tại đại lục tăng, nhưng chiến tranh thương mại đã “đẩy nhanh tốc độ” của nó.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực là điều tất yếu khi Trung Quốc ngày nay đang đánh mất sự hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.
Là một quốc gia láng giềng, môi trường đầu tư và kinh doanh có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, trong khi đó lại không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc chiến thương mại, những năm gần đây Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của các công ty, tập đoàn khi “tháo chạy” khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, làn sóng FDI mới đang đẩy Việt Nam vào giữa hai lựa chọn: chấp nhận mở cửa đón tất cả những nhà đầu tư hay là chọn lựa nhà đầu tư thế nào để đạt lợi ích lớn nhất cho đất nước. Theo ông Bùi Kiến Thành, nếu làm theo cách thứ nhất, Việt Nam sẽ sớm sập bẫy nhân công rẻ, trở thành công xưởng sản xuất ô nhiễm của thế giới sau Trung Quốc. Với cách thứ hai, dòng vốn FDI sẽ vào dè dặt, khó khăn hơn. Như vậy, nguy cơ để vuột mất cơ hội cũng sẽ rất cao, trong bối cảnh chính sách mời gọi đầu tư của Myanmar và các nước lân cận vẫn còn hấp dẫn.
Bình luận vấn đề này, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc khu vực châu Á và Mỹ của Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny đến từ Canada đưa ra lời khuyên, Việt Nam nên tỉnh táo để “lọc” và đón những nhà đầu tư tốt thay vì mở cửa tràn lan như trước, nhận tất cả các dự án “thượng vàng hạ cám” để rồi phải trả giá đắt về môi trường, thất thu ngân sách… như vừa qua.
Tuy nhiên, ông Trần cũng lưu ý, năng suất lao động của người Việt đang rất thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực, nếu chăm chăm chọn dự án tốt để mời gọi đầu tư mà không quan tâm tăng năng suất lao động, Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác. Và như vậy, mục tiêu đón làn sóng FDI di chuyển từ Trung Quốc hay đến từ bất kỳ quốc gia nào khác đều trở nên khó khăn đối với Việt Nam.